…
Ngày cuối của chuyến tham quan, đoàn chúng tôi tham quan 2 di tích của xứ Huế là đền Huyền Trân công chúa và lăng Tự Đức.
Đền Huyền Trân công chúa
Nằm cách thành phố Huế khoảng 7km về phía Tây, đền Huyền Trân tại phường An Tây – thành phố Huế toạ lạc trên diện tích rộng hơn 28 ha. Đền Huyền Trân được xây dựng dưới chân núi Ngũ Phong, là một cụm quần thể kiến trúc truyền thống bốn bề đồi núi trùng điệp, phong cảnh hữu tình.
Chuyện kể, vua Chiêm Thành Jaya Simhavarman III (Chế Mân) để cưới được Công chúa Huyền Trân đã đem hai châu Ô, Lý dâng lên vua Trần sính lễ. Vâng mệnh vua cha là Trần Nhân Tông và vua anh Trần Anh Tông, Huyền Trân đã gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng, lập mối hòa hiếu và mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam. Đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế cũng được khai sinh từ đó, đến nay đã hơn 700 năm.[/I]
Chính điện [/I]
Cũng trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Huyền Trân còn có nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ khác, nổi bật là Tháp chuông Hòa bình cao 7m được dựng trên đỉnh Ngũ Phong với chuông đồng nặng 1,6 tấn cũng do các nghệ nhân phường Đúc thực hiện. Trên đường dẫn lên Tháp chuông Hòa Bình, ta còn gặp bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ với nụ cười viên mãn thường trực trên môi. Bát nhang trước tượng luôn nghi ngút trầm hương của du khách thập phương kính cẩn dâng với nguyện ước vạn sự cát tường như ý…
Tượng phật Di Lặc [/I]
Lối lên tháp chuông [/I]
Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức là một quần thể những công trình được xây dựng theo một lối kiến trúc cầu kỳ và tinh xảo. Ban đầu, nhà vua đặt tên cho công trình lăng mộ của mình là Vạn Niên Cơ, khởi công xây dựng vào năm 1864. Lăng được hoàn thành năm 1867, đang lúc vua còn đang trị vì. Tự Đức đã đặt lại tên cho lăng thành Khiêm Cung, đồng thời các bộ phận kiến trúc trong lăng cũng được gắn với chữ Khiêm. Sau khi Tự Đức mất (năm 1883), lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng. Gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi.
Hành lang trong Khiêm Cung [/I]
Con đường lát gạch Bát Tràng đưa đoàn chúng tôi đi từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ và đột ngột khuất vào những hàng cây sứ đại thụ ở gần lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh.
Khiêm Cung Môn [/I]
Sau khu vực tẩm điện là khu lăng mộ. Ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi là Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do nhà vua soạn thảo. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia “Thánh đức thần công” trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình.
Tự Đức muốn dùng tấm bia khổng lồ đó để kể công và nhận tội trước lịch sử. Ông tự nhận tội mình: “Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều là tội của ta cả…” và ông nhường cho sử sách đời sau đánh giá công, tội của mình.
Bi Đình [/I]
Đằng sau tấm bia là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội. Đúng là Tự Đức thật chu toàn đối với việc đón nhận cái chết.
Trụ biểu [/I]
Kết thúc chuyến tham quan, chúng tôi dùng bữa trưa cuối cùng tại Huế rồi về Đà Nẵng, đáp chuyến bay về TPHCM lúc 6h. Chuyến đi 4 ngày ngắn ngủi mang lại cho tôi nhiều điều lý thú về thiên nhiên, cảnh quan, con người đất nước mình…
… Chuyến đi kết thúc đã 1 tuần, nhưng dư âm của nó vẫn đọng mãi trong tôi. Điều đó thôi thúc tôi thực hiện bài viết này để chia sẻ cùng với các bạn và cũng là series bài viết mở đầu khi thành lập blog này. Cám ơn các bạn đã theo dõi chuỗi bài viết này đến cuối cùng. [/I]