…
Con người là sản phẩm của giáo dục.
Ngay từ thuở ban sơ, chúng ta nhận sự giáo dục trước hết là từ cha mẹ. Cha mẹ dạy ta cách đi đứng, ăn nói và cư xử. Rồi tiến xa hơn, chúng ta học từ thầy cô những kiến thức nền tảng để từ đó chúng ta xác định con đường đi của chính mình. Bậc đại học là ngã rẽ quan trọng nhất trong cuộc đời của đa số chúng ta. Chúng ta tự chọn con đường của riêng mình, dựa vào sở thích, cá tính và khả năng của bản thân. Đây cũng là giai đoạn chấm dứt “Sự học THỤ ĐỘNG”, tức nhận những kiến thức mà người khác mang đến cho chúng ta.
Một số người vẫn bảo rằng rất nhiều người trong số chúng ta là những sản phẩm bị “lỗi” của nền giáo dục Việt Nam. Vấn đề này bàn cãi nhiều rồi nên tôi không nhắc lại nữa, chỉ muốn nói thêm rằng có một thực tế khác hẳn: đâu phải tất cả những ai thụ hưởng nền giáo dục trong nước đều bị “lỗi”. Vẫn có rất nhiều người thành nhân và thành tài mà chưa hề thụ hưởng một nền giáo dục nào khác ngoài những điều đã được học, được dạy trong nhà trường Việt Nam. Vậy, lỗi là của nền giáo dục hay lỗi của chính người học? Đào sâu vào nguyên nhân thành công sẽ rất dễ nhận ra điểm khác nhau chính là ở nhận thức về sự học và quá trình tự học, tự rèn luyện, tự thân vận động của họ.
Người học là sản phẩm và cũng là trung tâm của cả quá trình giáo dục. Nhưng không phải là “trung tâm” mà ta cho mình cái quyền “người khác phải phục vụ mình”. Đã đến lúc người học cần ý thức được vai trò “làm chủ” của mình trong toàn bộ quá trình giáo dục – mà ở đó mọi tác nhân khác như nhà nước, nhà trường hay nhà giáo… chỉ đóng vai trò hỗ trợ, bổ sung và cung cấp thông tin, kiến thức cho người học để họ tự hoàn thành mục tiêu học tập của chính mình.
Khi đã có tư duy như vậy tức chúng ta bước đầu đã làm quen với khái niệm “Sự học TÍCH CỰC”.
Sự học bắt đầu từ khát vọng.
Sự học của bản thân mỗi người chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi môi trường xung quanh (Quốc gia, gia đình, bạn bè). Những nguyên nhân này ảnh hưởng tới câu trả lời cho câu hỏi mà mỗi khi chán nản chúng ta vẫn tự hỏi “mình học để làm gì”. Tùy bản thân mỗi người có câu trả lời riêng cho chính mình. Nhưng tôi tin chắc sự học của bản thân bắt đầu từ lẽ sống của chính cuộc đời mình. “Tôi muốn có công việc lương cao, tôi muốn thành tiến sĩ, tôi muốn được mọi người kính trọng”. Nhiều cái “tôi muốn…” lắm, nhưng để thành hiện thực không phải là dễ. Muốn thành hiện thực các bạn phải thổi bùng vào chính mình một niềm tin, một động lực mạnh mẽ. Để mỗi ngày, bạn phải dốc sức cho sự học, cho việc tiếp thu kiến thức và văn minh của loài người, cho sự phát triển của bản thân.
Học – chính là con đường để tạo ra những con người mới cho xã hội tương lai.
Hẳn chúng ta luôn băn khoăn với câu hỏi “ta là ai trên thế gian này” và “ta sẽ dùng cuộc đời mình vào việc gì”. Khát vọng thay đổi thế giới, định vị lại hình ảnh quốc gia, tạo dựng vị trí cho tập thể, hay đơn giản hơn là khẳng định bản thân mình, luôn là những động lực, những tác nhân tạo ra sức mạnh lớn lao cho việc học của mỗi người.
Chúng ta, những con người của thế kỷ XXI, của một thế giới mới, “thế giới phẳng”, cần có một hệ giá trị mới, hệ giá trị phù hợp với bối cảnh toàn cầu. Nền tảng của hệ giá trị ấy xuất phát từ giáo dục và sẽ mất rất nhiều năm để có thể tạo ra một cuộc cách mạng về giáo dục. Nhưng một cuộc cách mạng về việc học của mỗi người có thể diễn ra một cách rất nhanh chóng, chỉ bằng sự chủ động và quyết tâm của chính bản thân mình.
2W1H và định nghĩa lại sự học.
Trong một báo cáo toàn cầu về giáo dục, UNESCO đã đưa ra mục tiêu của việc học dành cho mỗi người. Đó là:
– Học để hiểu biết.
– Học để làm việc.
– Học để làm người.
– Học để sống hòa hợp với mọi người trong “thế giới mới” (thế giới “phẳng”)
Những mục tiêu này sẽ được giải quyết một cách thấu đáo bằng phương pháp 2W1H. Đó là hệ thống câu hỏi:
Why – Tại sao học, học để làm gì? (mục tiêu học).
What – Học cái gì để đạt được mục tiêu đó? (nội dung học).
How – Học như thế nào? (phương pháp học).
Hãy bắt đầu bằng một ví dụ cụ thể, học để “làm việc”. Một sinh viên bước chân vào ngành Tài chính – Ngân hàng của một trường đại học. Sinh viên đó có thể hình dung rất nhiều “kịch bản tương lai” của chính mình:
– Lấy được tấm bằng, nhưng không biết gì về nghiệp vụ ngân hàng.
– Chẳng lấy được tấm bằng nào nhưng lại là giỏi về nghiệp vụ ngân hàng do bản thân tích lũy từ công ty mà mình đang làm việc hay từ thực tế mà bỏ lơ việc học ở trường.
– Vừa có bằng hẳn hoi mà lại rất giỏi về chuyên môn.
Chỉ có người sinh viên này chứ không ai khác mới có thể quyết định tương lai của chính mình bằng việc hiểu rõ động cơ thực sự bên trong trong suốt quá trình học tập.
Từ những nhận định trên, chúng ta tin rằng: Chỉ có học thực, mới có năng lực thực, từ đó mới có thể làm thực, và tạo ra giá trị thực, để sống thực. Tất cả, bắt đầu từ thực học và cũng lả khẩu hiệu mà trường tôi đang học cố gắng chỉ ra cho SV: “Tinh thần thực học, chất lượng chuẩn mực”.
Đọc bài viết N thấy rất vui:_Vui vì sự trưởng thành, chững chạc của T hiện nay._Vui vì N đồng tình với những gì T viết ra.Vâng, chính “chủ thể” là người quyết định mình là ai, “Bạn chính là những gì bạn nghĩ”!Hy vọng rằng bài viết của T có thể lan rộng, tinh thần tự học, thực học của bài viết có thể lan rộng!Cám ơn T vì những gì T đã nghĩ, đã chia sẻ!
MÌnh vẫn thích học nhưng ko thích học theo kiểu nhà trường. Nói thiệt, mình ngán kiểu học nhà trường ( kể cả DH) lắm. MÌnh vẫn nhớ những môn học chuyên ngành, mà thấy giáo cầm quyển sách vừa đọc, vừa chép. Mệt … Mình vẫn nhớ, mình phải cày cuốc những môn học mà mình không hề thấy mình sẽ dùng nó trong cuộc sống sau này của mình. Học là học cả đời. Học những cái mình thiếu, học những cái mình cần. Và biết nơi nào dậy mình. Mình nghĩ bản chất giáo dục là gì ? Bản chất của giáo dục nghĩa là “thấy thiếu cái gì, cần học cái gì và biết tìm kiếm kiến thức ở đâu”. Nhà trường chỉ dạy cho học sinh, sinh viên lối tư duy lo gic :). Mình là dân toán ( mình học toán nhưng rời trường không theo ngành toán) nên lối tư duy này mình hiểu rõ. Nhưng thực tế, không phải lúc nào cũng nên tư duy theo lối tư duy lô gic.