CON ĐƯỜNG VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG HÀNH CÙNG BẠN


Có lẽ đã từ lâu, tôi luôn tâm niệm cuộc đời là những chuyến đi. Bạn sẽ thắc mắc: “Nhưng lúc nào đó cũng phải đến nơi chứ”. Khi ta nghĩ ta đến nơi, nghĩa là ta đã già.

Sự sắp xếp cuộc sống của tôi có vẻ không thống nhất. Tôi thường lên kế hoạch rất kỹ, nhưng cũng có những lúc nổi hứng không kém và chần chừ, không dứt khoát. Tôi tự hỏi: Tại sao phải lưỡng lự một khi lòng đã muốn? Thì ra cuộc sống không đơn giản vậy. Con người thường suy nghĩ, cân đo đong đếm thiệt hơn. Thời gian là vàng bạc và chi phí cơ hội là một lý thuyết kinh tế học cơ bản về tính toán của cá nhân, cho các quyết định của mình.
Nếu ví con đường là mục đích trong cuộc sống của bạn thì cớ sao không lên đường ngay bây giờ? Nếu bạn sợ đơn độc, vậy hãy kiếm ai đó cùng đồng hành với mình. Và khi bạn có nhiều người cùng sát cánh bên mình thì bạn đã có 1 nhóm những người chung chí hướng. Lúc này rất cần 1 người có tầm nhìn, lòng tin, sáng tạo, can đảm và khả năng khơi lửa trong lòng những người trong nhóm. Đó là người lãnh đạo nhóm (tôi dùng từ team leader – lãnh đạo nhóm – để nó mang tầm bao quát hơn).
Lãnh đạo là cuộc hành trình khám phá. Lãnh đạo là biểu hiện của một người ở mức cao nhất của người ấy, với mục đích làm điều gì đó tốt đẹp hơn và phát triển tiềm năng của những người khác. Đó không phải là công việc đơn độc của người lãnh đạo, mà là sự chung sức chung lòng của mọi người trong nhóm. Do đó nhóm, với hạt nhân cơ bản là mỗi thành viên, có ảnh hưởng rất lớn đến cách làm việc của người lãnh đạo.
Nhân đọc cuốn sách “Tinh hoa lãnh đạo” của John C.Maxwell, tôi muốn chia sẽ cùng các bạn một chương mà tôi rất thích. Nội dung của chương này khá giống với những gì mà tôi đã từng trải nghiệm. Hi vọng qua đây các bạn, đặc biệt là những bạn giữ vai trò trưởng nhóm, có cách xử lý linh động và cái nhìn thoáng hơn mỗi khi gặp những tình huống như thế.
NGƯỜI KHỞI HÀNH CÙNG BẠN ÍT KHI THEO BẠN ĐẾN CÙNG
Tôi là một người rất cởi mở. Tôi thích hòa hợp với mọi người và tôi đặc biệt thích làm việc nhóm. Nhóm là niềm vui của tôi và tôi muốn làm một điều gì đó cho các thành viên trong nhóm vì mọi người cũng đã làm mọi thứ cho tôi.
– Nhóm làm cho tôi trở nên tốt đẹp hơn.
– Nhóm làm cho tôi trở nên có giá trị hơn.
– Nhóm giúp tôi làm những điều tốt nhất có thể.
– Nhóm cho tôi nhiều thời gian hơn.
– Nhóm đưa tôi đến những nơi tôi không thể đến một mình.
– Nhóm cho tôi một cộng đồng vui vẻ.
– Nhóm thỏa mãn những ước vọng của tôi.

Lúc đó tôi đã liệt kê 10 thành viên chủ chốt để tạo thành 1 nhóm. Nhưng hiện nay nhóm của tôi chỉ còn lại có 6 người. Sự thật đau buồn này khiến tôi chiêm nghiệm được một điều rằng người bạn thân thiết nhất hiện giờ chưa chắc đã là người bạn thân thiết nhất của bạn.
LÊN ĐƯỜNG NÀO
Trong những năm đầu làm lãnh đạo, tôi luôn nghĩ tất cả mọi người trong nhóm sẽ đi cùng tôi, và tôi phải có trách nhiệm thực hiện điều đó. Nếu ví nhóm như một con tàu đang lăn bánh, tôi sẽ là người lái tàu và cũng là người soát vé. Tôi phải đảm bảo mọi hành khách đều có mặt đầy đủ. Lúc khởi hành, tôi phải nói to để mọi người cùng nghe thấy: “LÊN ĐƯỜNG NÀO”. Nếu có ai chưa lên tàu, tôi phải đi tìm họ. Nếu họ không muốn trở lại tàu, tôi sẽ bắt họ ngồi vào ghế và làm mọi điều cốt giữ họ ở lại. Dù điều gì xảy ra, tôi luôn quyết tâm để họ đi cùng.
Giờ đây, khi kinh nghiệm cũng kha khá và đã học hỏi được nhiều điều thì tôi nhận ra rằng:
Không phải ai cũng sẽ đi cùng bạn.
Gia nhập nhóm là một lựa chọn. Một số người mà tôi muốn mời vào nhóm lại không hứng thú tham gia. Đôi khi, nguyên nhân là do họ thiếu nhiệt tình. Đó chỉ là niềm đam mê của tôi chứ không phải của tất cả mọi người, và có những điều tạo động lực cho tôi nhưng không tạo động lực cho họ. Có lúc, nguyên nhân lại là vì họ không thích tôi hoặc họ có những mục tiêu riêng. Nếu tôi biết được điều này sớm hơn, việc lựa chọn những thành viên triển vọng cho nhóm có lẽ sẽ đơn giản hơn nhiều.
Không phải ai cũng nên đi cùng bạn.
Thích chơi với một người không có nghĩa là bạn phải mời người đó tham gia nhóm. Cũng có lúc tôi rủ bạn bè “lên tàu” để vui vẻ hay có cơ hội làm việc cùng nhau. Nhưng nếu họ không có kỹ năng hay kinh nghiệm phù hợp với sự phát triển của nhóm, đó sẽ là sai lầm nghiêm trọng. Nếu bạn phớt lờ thực tế chỉ vì mối quan hệ cá nhân, bạn sẽ gặp phải nhiều vấn đề.
Không phải ai cũng có thể lên đường cùng bạn.
Những người thích hợp tham gia nhóm với bạn ngay từ đầu không đồng nghĩa với việc họ sẽ luôn đi cùng bạn trong suốt cuộc hành trình. Đơn giản là một số người không có khả năng phát triển cùng sự phát triển của nhóm và phù hợp với tầm nhìn mà nhóm đặt ra.
Thực tế này rất khó khăn đối với tôi. Khi ký ức về những ngày làm việc với ai đó thật tuyệt vời, việc đối mặt với thực tế là những ngày tươi đẹp ấy đã qua thật khó khăn. Khi một nhóm phát triển, nó có thể phát triển nhanh hơn một số thành viên của nhóm. Nó giống như con tàu khởi hành với đầu máy công suất thấp. Khi chỉ kéo vài toa tàu, công suất thấp của nó không phải là vấn đề. Nhưng khi bạn nối thêm nhiều toa tàu và cố kéo cả đoàn tàu lên dốc thì những toa tàu lại trở thành gánh nặng cho đầu tàu. Bất kể bạn bỏ ra bao nhiêu công sức để giúp họ tiến bộ, họ đang làm việc với tất cả khả năng của mình và không thể tiến xa thêm được nữa.
Một trong những quyết định khó khăn nhất đối với người trưởng nhóm trong trường hợp này là trả lời cho câu hỏi: “Bạn có muốn tiếp tục mang người đó theo không”. Nếu có, điều này sẽ làm giảm hiệu quả làm việc của bạn và thậm chí còn làm bạn kiệt sức. Bạn có hi vọng cả nhóm sẽ tiếp tục kéo thêm cả anh ta nữa? Điều này sẽ làm nhụt chí cả nhóm, khi đó bạn sẽ bỏ anh ta lại chứ?
Trong điều kiện lý tưởng, bạn có thể cố gắng tìm một vị trí phù hợp với năng lực của anh ta, nơi anh ta có thể làm việc đúng với khả năng của mình. Vài người vui vẻ chấp nhận thay đổi, họ chỉ cần vẫn là thành viên của nhóm. Nhưng có người thì không. Trong trường hợp đó, bạn có thể làm gì hơn là cầu nguyện cho họ có ý định ra đi.
Ở một mức độ nào đó, bạn có thể lựa chọn từ bỏ một người mà không mắc sai lầm. Nếu bạn cứ giữ và ca tụng những người làm việc không hiệu quả thì cuối cùng bạn chỉ có một nhóm người kém năng lực mà thôi. Có khen thưởng thì phải có kết quả làm việc tốt. Nhóm nào cũng phải thay thế thành viên, người đến kẻ đi là một lẽ thông thường. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra không phải là “mọi người đang ra đi?” mà là “ai là người ra đi?”. Nếu những người tham gia nhóm của bạn đều có năng lực tốt và những người ra đi có khả năng hạn hẹp, tương lai của nhóm sẽ rất xán lạn. Nếu những người lên tàu không có năng lực, còn người bỏ đi lại rất tài ba thì tương lai của nhóm sẽ rất mờ nhạt.
Cuối cùng tôi đành chấp nhận việc mọi người ra đi. Thực ra họ ra đi với nhiều lý do khác nhau. Có thể do tôi phát triển quá nhanh so với họ, và cũng có người vượt trội hơn tôi. Rồi cũng có người định hướng theo một lối đi khác. Lại có ngưòi không muốn thay đổi, nên con tàu đành bỏ họ lại phía sau. Đây đúng là một sự thật nghiệt ngã. Thời gian luôn thay đổi buộc con người phải vận động theo. Với một số người, điều đó quả thật khó khăn.
PHẢI NHÌN XA TRÔNG RỘNG
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta phải để ai đó lại phía sau. Tôi nhớ họ và hi vọng họ cũng nhớ tôi. Nhưng đó là cách hoạt động của người lãnh đạo. Cách tốt nhất là chuẩn bị tư tưởng khi họ rời đi và duy trì những người ở lại. Tôi mong rằng một vài sai lầm của tôi có thể giúp ích cho bạn và đây là 4 điều tôi đã thực hiện và cần sửa chữa:
1. Tôi đã chờ đợi người tôi không nên chờ.
Nếu bạn đi một mình, bạn sẽ phải dậy sớm, đó là điều tất nhiên. Nếu bạn đi cùng ai đó, bạn phải chờ họ. Với một vài người, tôi phải chờ rất lâu. Tôi cứ gắng chờ, để rồi nhận ra họ chẳng bao giờ quay lại con tàu. Điều này khiến cả nhóm mất đi nghị lực, thậm chí những người trung thành nhất cũng tỏ ra bực tức và tôi mất uy tín với mọi người khi không giải quyết vấn đề nhanh hơn. Đó quả là sai lầm khi áp dụng suy nghĩ cá nhân vào tập thể.
2. Tôi cảm thấy có lỗi khi mất một thành viên chủ chốt.
Khi mới làm lãnh đạo, lúc nào cũng vậy, cứ một thành viên trong nhóm ra đi là tôi lại soi vào năng lực bản thân. Đôi lúc điều đó đúng (bởi người lãnh đạo đánh mất thành viên đồng nghĩa với việc lãnh đạo có vấn đề). Nhưng có những lãnh đạo giỏi vẫn thường xác định và phát triển nhóm mình, cả các thành viên trong nhóm, dù biết rằng một ngày nào đó họ vẫn bỏ ra đi.
Do đó, ngay từ khi mới bắt đầu, tôi luôn cố gắng giữ những người giỏi nhất bên mình, dù điều đó rất khó. Đã nhiều lần tôi động viên họ ở lại, nhưng có lẽ đó là quyết định không đúng. Tôi hiểu rằng cách tốt nhất là cầu chúc cho họ, chứ không phải nài nỉ họ ở lại. Bạn không thể dẫn dắt nhóm hiệu quả một khi họ không muốn đi cùng bạn trên con đường.
3. Tôi luôn tin rằng không ai có thể thay thế những thành viên chủ chốt.
Bất cứ khi nào những thành viên quan trọng thông báo họ sẽ bỏ đi, câu hỏi đầu tiên tôi luôn đặt ra là “ai sẽ thay thế người này?”. Thường thì câu trả lời là “không ai cả”. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Có nhiều người giỏi và họ cũng muốn trở thành người lãnh đạo, xây dựng 1 team riêng cho mình. Bạn càng phát triển cả nhóm, càng đầu tư vào mọi người, bạn càng có nhiều lựa chọn thay thế khi một ai đó ra đi.
Sự thay đổi này là một khác biệt lớn trong cách thức làm việc của tôi. Từ đó đến giờ tôi luôn tìm kiếm những người giỏi để thay thế những thành viên chủ chốt sau khi họ bỏ ra đi. Bây giờ tôi đặt câu hỏi đó trước khi có một vị trí trống. Điều này nghe có vẻ nhẫn tâm, nhưng khi bạn đặt mình vào vị trí người lãnh đạp bạn sẽ thấy nó rất cần thiết. Bạn sẽ phải chuẩn bị cho các tình huống có thế xảy ra, bởi vì thành công của nhóm phụ thuộc vào bạn. Vì lý do đó, tôi luôn phải cố gắng tìm kiếm người thay thế cho các vị trí quan trọng trong nhóm. Và nếu một thành viên ra đi hoặc khi có sự thay đổi, tôi không phải e ngại và nhóm sẽ không phải chịu tổn thất nhiều vì điều đó.
4. Tôi phải học cách ghi nhận những người bên tôi chỉ trong một thời gian ngắn.
Lãnh đạo là một hành trình dài, và nhiều khi lãnh đạo cần người đặc biệt nào đó hỗ trợ mình trên con đường này. Những người có năng lực thường đi cùng lãnh đạo trong một thời gian ngắn, rồi họ lại ra đi.
Không ít người có vị trí quan trọng như vậy trong cuộc đời tôi. Họ theo tôi một thời gian, hỗ trợ tôi tìm ra những lối đi đúng đắn. Nhưng tôi không giữ được họ. Tôi cũng thấy rằng một vài người trong số họ ra đi để giúp những nhà lãnh đạo khác hoặc có thể họ tự tìm cơ hội lãnh đạo cho chính mình. Tôi rất biết ơn họ, vì nhờ có họ mà tôi có thể vươn lên một tầm cao mới.
Cuối cùng, tôi khám phá ra rằng nhà lãnh đạo không được phép nghĩ họ là người sỡ hữu thành viên của nhóm – cho dù họ đúng là lãnh đạo của nhóm. Nhà lãnh đạo giỏi biết rằng họ phải tìm những người có năng lực, cho họ cơ hội tham gia vào chuyến đi để phát triển và khuyến khích họ đạt được năng lực cao nhất. Nhưng nhà lãnh đạo cũng phải biết khéo léo giữ người. Dù cho những người khởi hành cùng bạn hiếm khi hoàn tất cuộc hành trình cùng bạn.
May mắn là vẫn còn có người ở lại. Và tôi rất biết ơn họ. Ai cũng từ bỏ một cái gì đặc biệt để song hành cùng tôi, rồi lại tạo nên những điều còn đặc biệt hơn thế. Vì còn ít người ở lại nên tôi rất trân trọng họ, và tất cả họ đều rất có giá trị đối với cá nhân tôi. Nếu bạn khởi hành chuyến đi cùng người nào đó từ giai đoạn đầu, hãy yêu quý họ, tôn trọng họ và khen ngợi họ để chúng ta có thể tiếp tục lên đường.

One Reply to “CON ĐƯỜNG VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG HÀNH CÙNG BẠN”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *