Tản mạn chút chơi… …
Câu chuyện thứ 1:
Ngày xưa có một người rất ghét láng giềng của mình (Có lẽ anh láng giềng đã từng đắc tội với anh ta chăng). Rồi một hôm con trâu nhà anh bỗng biến mất, càng nhìn láng giềng, anh ta càng cảm thấy hắn là kẻ bắt trôm trâu.
Vài ngày sau con trâu từ đâu đó dẫn xác về, lần này xáp mặt láng giềng, anh ta lại cho rằng, hình như hắn không phải là kẻ cắp.
Các bạn sẽ hỏi, câu chuyện này có ý nghĩa gì, và có liên quan gì đến chúng ta. Xin bình tĩnh, nó đã mách bảo cho chúng ta hai điều:
– Thứ nhất, con người tuyệt nhiên không nên giữ thành kiến trong lòng.
– Thứ hai, điều bất hạnh là trong cuộc sống chúng ta thường bị nghi oan, và do đó lòng tin với chính mình mới là quan trọng. “Tôi không bắt trộm trâu, cho dù người ta xầm xì, đặt điều này nọ”. Ấy mới thực là cao thủ, mới thực là thông minh, bởi bạn sẽ không vui vẻ, không thoải mái nếu như chẳng hiểu mình, biết mình và tin mình.
Câu chuyện thứ 2:
Hai người bạn rủ nhau lên núi cắm trại. Đêm xuống, trước khi đi ngủ, họ tâm sự. Người nảy hỏi người kia:
– Cậu nhìn thấy những gì?
– Tớ nhìn thấy bầu trời đầy sao và nhận ra rằng vũ trụ thật bao la, tạo hóa thật vĩ đại. Cuộc đời mới nhỏ bé và ngắn ngủi biết chừng nào. Thế còn cậu?
– À, mình nhìn thấy có kẻ chực sẵn để tháo trộm tấm bạt của chúng ta!
Chắc chắn bạn sẽ hỏi, trong hai người đó, ai trả lời chính xác. Đáp án của tôi là "cả hai". Thực tế cuộc sống ngổn ngang bao việc, nhất là những lúc cam go, gian khó. Chúng ta phải đắn đo suy ngắn, xét dài và giải quyết mâu thuẫn trước mắt với cái về lâu dài, trường cửu. Nếu chỉ chú trọng cái dài, cái lâu mà quên đi cái ngắn, cái nhãn tiền, quên đi những "mắm, muối, tương, cà" thì có thể chúng ta vẫn cảm thấy khoái chí, nhưng chưa biết sẽ chết đói lúc nào. Ngược lại, chỉ một mực lo căng cái bụng mà bỏ hết thì cuộc sống tẻ nhạt, vô vị lắm thay.
Người thì không biết cân bằng giữa cái "ngắn" và "dài", người thì không có chí ít không gian tưởng tượng, cả hai đều bất hạnh theo nghĩa rộng.
Câu chuyện thứ 3:
Hai người lỡ đường ngủ lại trong rừng, sáng ra chưa tỉnh mắt đã thấy một chú gấu đen xuất hiện, gầm gừ. Người này vội vàng mang giày thể thao, người kia cười khẩy:
– Thế thì có ích gì, làm sao mà chạy nhanh hơn gấu.
– Đúng vậy, tớ chạy nhanh không bằng gấu, miễn nhanh hơn cậu, có thế thôi!
Thế giới mà hằng ngày chúng ta đang phải đối mặt chứa đựng vô vàn biến cố và những cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Vì lẽ đó, chạy nhanh hay chậm rất có thể sẽ trở thành nhân tố dẫn đến thất bại và thành công. "Nhanh", "Tốt", "Tài cán", "Thông minh"… là những vấn đề mang tính tương đối, vấn đề quan trọng trong những cuộc cạnh tranh nêu trên là nhận dạng đối thủ của mình, chú gấu đen hay anh bạn đồng hành…
Câu chuyện thứ 4:
Trên những thảo nguyên mênh mông ở châu Phi, mỗi khi vầng dương bừng sáng là muôn loài lại bắt đầu một ngày chạy đua thục mạng. Sư tử hiểu rằng, nếu mình chạy không kịp lũ linh dương có tốc độ chậm nhất thì sẽ bị chết đói. Và những con linh dương cũng tự nhủ, đừng bao giờ thua con sư tử có tốc độ nhanh nhất, nếu không, ắt sẽ bị xé xác, phanh thây.
Trong các bạn, có người lớn lên sẽ làm linh dương, cũng có kẻ sẽ là sư tử, và ngày ngày chạy đua thục mạng vì cuộc mưu sinh, cạnh tranh hay thách đố. Và do đó bạn phải sẵn sàng trí tuệ và dũng khí để chạy nhanh hơn đối thủ của mình, nếu không, hoặc là bạn sẽ bị chết đói, hoặc là bạn sẽ bị xé xác phanh thây.
Câu chuyện thứ 5:
Người cha nọ ban đêm về nhà vẫn còn phải làm việc, nhưng cô con gái của ông lại một mực đòi phải chơi với nó. Người cha tìm kế hoãn binh. Sẵn trên bàn có cuốn tạp chí, ông bèn xé tờ giấy in hình bản đồ thế giới đưa cho con gái xem, đoạn tiếp tục xé vụn thành nhiều mảnh nhỏ và bảo nó: “Hãy xếp trở lại như cũ ra hình bản đồ thế giới. Nếu đúng, cha sẽ bỏ việc, chơi với con”.
Người cha hí hửng phen này đã lừa được cô con gái chưa đến tuổi mẫu giáo. Nó làm sao mà nhận biết nổi năm châu bốn biển để xếp những mảnh vụn đó thành tấm bản đồ thế giới kia chứ. Nào ngờ, chưa đến mười phút, cô bé liền nôp "bài thi". Người cha kinh ngạc vì chẳng sai chút nào. “Trời ơi, con gái tôi thông minh quá”. Hóa ra, ở mặt sau của tấm bản đồ là hình một minh tinh điện ảnh. Xếp đúng khuôn mặt của mỹ nữ này, tất nhiên dễ dàng vô cùng, đồng thời cũng giải quyết xong đề bài cho cha.
Lời bàn:
Năm câu chuyện vừa kể rất có thể chẳng liên quan gì đến bạn (phải đợi đến lúc sứt đầu mẻ trán mới phần nào lãnh hội được chăng). Điều mà tôi muốn nói ấy là cái mà người ta thường gọi bằng hai chữ "kinh nghiệm".
Cuối cùng, xin được hỏi bạn một câu đơn giản. Vì sao thuở ấu thơ ai cũng vui, cũng thoải mái nhưng lớn lên và khi tuổi tác ngày càng cao thì đâu còn thế nữa? Đã có người giải thích bởi "trái tim đỏ" của chúng ta "nhạt dần" theo năm tháng. Theo họ, "trái tim đỏ" là lúc tan học cùng tranh nhau những hạt bắp rang, nở tung tóe, vừa chạy, vừa ăn, vừa cười. Xa hơn nữa, "trái tim đỏ" là khi bị trêu chọc, ta khóc đã thôi, tưởng không bao giờ nín, nhưng thiếp đi một giấc là bỗng quên tất cả và trở lại nô đùa với "kẻ" đã từng bày trò trêu chọc.
Chẳng rõ bạn sẽ nghĩ như thế nào chứ riêng tôi nhiều lúc lấy làm "hối hận" vì sao ta đã lớn lên, đã trưởng thành. Tôi ước mong mãi mãi là học sinh lớp một, nhưng điều đó không thể có, thật tiếc thay. Người dại dột tưởng rằng đi tận chân trời góc biển mới tìm được niềm vui, kẻ thông minh thường gieo mầm khoái lạc ngay dưới chân mình. Có lẽ phải học cả hai, thông minh lẫn dại dột!
Chia sẻ mọi người ý kiến của mình, còn bạn có ý kiến nào khác thì hãy cùng share nhé.