Có lẽ đây là câu hỏi khó trả lời chính xác nhất, bởi vì “ừ “hay “không” gì thì cũng không ổn. Câu trả lời chính xác nhất chỉ có thể đến trong hoàn cảnh thực tế của cuộc sống. Các khảo sát lý thuyết thường không giúp được mấy.
…
Rõ ràng là cả đời ta được dạy là hãy làm người khác yêu mến và tôn trọng ta. Từ tấm bé đã học ăn nói tử tế lễ độ, áo quần tề chỉnh, tác phong có giáo dục. Lớn thì cũng học giao tiếp, ngoại giao, đắc nhân tâm… cho nên nói rằng ta không quan tâm đến người khác nghĩ gì là không đúng.
Thực ra thì con người là một loài sống tập đoàn. Các sinh vật sống trong một tập đoàn, như một bầy trâu, một bầy chim, thường có tác phong rất giống nhau. Con người đương nhiên cũng có khuynh hướng đó. Mà đã “giống nhau” có nghĩa là suy nghĩ như nhau, và rất quan tâm đến việc làm cho những người khác phật lòng, chống đối, vì các khác lạ của mình.
Nhưng chúng ta cũng đều biết là nếu ta quan tâm quá đáng đến việc người khác không đồng ý, không chấp thuận, thì ta không bao giờ có thể sáng tạo, không bao giờ có thể đổi mới, và trong nhiều trường hợp trở thành tù nhân của chính tư tưởng của mình.
– Điều thông thường nhất ta thấy là nói chuyện trước đám đông, dù là trong một căn phòng hay trong một diễn đàn Internet: “Thôi, ghê lắm, nói bậy bạ người ta cười thúi đầu.”
— Mức tệ hại hơn, có thể thành một bệnh tâm lý nặng, lúc nào cũng sợ mọi người mất lòng, lúc nào cũng muốn làm tất cả mọi người khác vui lòng, đến nỗi mình biến thành cái mền rách đầy stress thường xuyên.
– Ở một mức cao hơn, như chúng ta đã nói trước đây, ngay khi bạn có một tư tưởng mới bạn trở thành nhóm thiểu số chỉ có một người. Đương nhiên là nhiều người sẽ chống đối tư tưởng mới của bạn và muốn dập tư tưởng đó hoặc chính bạn. Nếu chúng ta quan tâm đến sự đồng ý của đám đông thì ta sẽ không bao giờ có thể có một tư tưởng mới, một tư tưởng sáng tạo nào cả.
Thế thì, đứng giữa giằng co giữa nhu cầu làm các bạn vui vẻ quanh ta và nhu cầu sáng tạo của ta, ta phải làm thế nào?
Theo mình nghĩ, người tư duy tích cực suy tưởng ở tầng cao hơn, vượt lên trên tầm mức “mọi người nghĩ gì về tôi?” Người tư duy tích cực không thực sự quan tâm về việc người khác nghĩ về mình, và chỉ thực sự quan tâm lo lắng cho người khác. Đây chính là “vô ngã” (“không có cái tôi”) và “vị tha” (yêu người). Vì “không có cái tôi” nên ta không quan tâm đến việc người khác nghĩ thế nào về mình. Vì “vị tha” nên ta luôn làm cho mọi người vui và tốt.
Nhưng làm tốt cho người nào đó đôi khi cũng có nghĩa là khuyên vài câu hơi thẳng, và mình biết là người đó sẽ buồn, nhưng mình cũng biết là mình vẫn nên làm thế. Tức là mình lo cho người, và không để cái khả năng bị người giận làm cho mình chùn bước.
Dĩ nhiên, theo lẽ thường nếu ta thực sự yêu người và lo lắng cho người, thì thường thường là được người yêu lại. Nhưng không hẳn thế, yêu người và bị người đóng đinh cũng là chuyện rất thường tình. Nhưng đóng đinh ta còn không ngại, huống chi là vài câu hiểu lầm chê bai hay chửi bới.
Ngay khi là làm việc gì cho ai đó, mà ta vẫn không ngại bị chống đối chê bai, thì huống chi là khi ta dùng ánh sáng sáng tạo để tạo ra một điều gì mới, mà không đụng chạm đến ai, và còn làm cho cuộc đời đẹp hơn một tí. Sáng tạo là dùng tối đa tiềm năng của ta để làm cho cuộc đời khá thêm, với một ý tưởng mới hay một sản phẩm mới. Nếu có người đả phá tư tưởng sáng tạo của ta, tại sao lại phải quan tâm đến các đả phá đó?
Nhưng bên trên là ta chỉ nói đến khi ta tích cực làm một việc gì đó tốt cho người cho đời. Ý chí ta vững mạnh trong các trường hợp đó cũng là chuyện đương nhiên. Có một trường hợp gây khó khăn thường xuyên hơn: Đó là lúc ta bị ai phê phán, hoặc chỉ tưởng tượng trong đầu là bị ai phê phán, về một điểm nào đó như là điểm yếu của ta. Ví dụ: Ta đang nói điều gì đó và bị ai phê phán là ta sai hoặc kiêu căng khi ta nói điều đó. Ta có thể về nhà và đau nhức hoài về chuyện này rất lâu.
– Nếu người phê phán đúng: thì cám ơn và vui vẻ.
– Nếu người phê phán sai, thì hơi đâu mà để ý.
– Dù là gì đi nữa thì có thể là sau 5 phút mọi người không ai còn nhớ đến chuyện đó nữa và chỉ còn bạn là ấp ủ nó cả ngày. Bạn có rảnh rỗi để cứ suy nghĩ về người khác cả ngày không? Không? Thế thì tại sao bạn nghĩ là người khác rảnh rỗi để suy nghĩ về bạn cả ngày? Hơi chủ quan đấy.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/
langtuyenthanh_yenthanh writes:hay quá , anh ơi em cảm ơn những lời này của anh nhiều lắm , em từng rất lo khi người khác nghĩ không đúng về mình , khi đọc xong bài này em cảm thấy , không còn gì để phải nghĩ về những chuyện đó , học hành với em quan trong hơn rất nhiều , cảm ơn anh nhiều lắm
Anh rất vui vì bài viết này giúp em tự tin hơn. Chào mừng em đã ghé thăm blog của anh, hì hì.
minnie writes:”– Nếu người phê phán đúng: thì cám ơn và vui vẻ.– Nếu người phê phán sai, thì hơi đâu mà để ý……Forget it!!!” Đúng là như vậy.Cảm ơn bài viết of anh rất nhiều
em thix hình trái cà chua dỗ trái ớt ;))
Anonyme writes:thanks triet nhieu