Đợi mong không gặp, không đợi mà gặp

Thường ta thấy nếu một người bị bệnh đã lâu ngày, khi mất đi, thân nhân của họ rất bình tĩnh và thản nhiên, dù là vẫn buồn. Nhưng nếu một người ra đi bất ngờ, như đụng xe chẳng hạn, thì thân nhân bạn bè rất đau đớn sầu khổ. Tương tự như vậy, trong một trường hợp nhẹ hơn, xảy ra hàng ngày: Ra đường bị anh chàng nào đó chạy ngang qua mắng, “Chạy quờ quạng, dzậy mà cũng ra đường. Đồ ngu” thì ta cũng bực một tí, nhưng có thể mỉm cười quên mất. Nhưng nếu đến sở, bị ai đó trong sở mắng là “đồ ngu” thì có thể sẽ thành chuyện lớn.

Vì sao vậy? Thưa vì một bên là mong đợi, một bên là bất ngờ. “Mong đợi” đây là từ “expectation” trong tiếng Anh. Nó có thể có nghĩa tích cực, thích thú mong đợi, như chờ đợi con mình mang sổ điểm tốt về nhà, hoặc có thể là bị động theo kiểu “đời là thế” – đời là ra đường có thể gặp mấy anh chàng du côn ăn nói bừa bãi, hơi đâu mà bực.
Chúng ta thường nói “tâm tĩnh lặng” là căn bản của tư duy tích cực. Tâm ta càng tĩnh lặng, cái nhìn của ta càng sâu thẳm, và hùng lực của ta càng mạnh (Mấy người nhảy loi choi, vung tay vung chân la lối ồn ào, thường là người chạy đầu tiên khi bị áp lực. Những người nhỏ nhẹ dịu dàng thường là những người sẵn sàng bước qua biển lửa khi cần. Qui luật này thường đúng cho đa số trường hợp, ít có ngoại lệ).
Tuy nhiên, khi gặp các biến cố bất ngờ, ta thường bị sốc, bị đau, và tâm ta nổi sóng. Nghĩa là căn bản tư duy tích cực của ta nằm trong vòng nguy hiểm. Trong ngữ cảnh của bài này, lý do cho những ngọn sóng bấp bênh đó là “bất ngờ”, hay “không đợi mà đến”, hoặc nói đúng hơn là “đợi điều này mà gặp điều kia”. Đợi anh sống với em đến già, nhưng anh đụng xe mất đi quá sớm; đợi anh chung thủy với em cả đời, không ngờ anh có nhân tình và đòi ly dị; đợi con học thành bác sĩ, không ngờ con bỏ học đi theo đám hút sách.
Tóm lại, “đợi mong không gặp” hay “không đợi mà gặp” là đầu mối của đau khổ, đầu mối của sóng gió, ta có thường nhất trong đời, thường hơn cả sinh lão bệnh tử. Sinh, lão, và tử chỉ xảy ra một lần trong đời, bệnh thì cũng năm thì mười họa. Nhưng, “mong đợi” từ chính mình, từ bạn bè, từ vợ chồng con cái bố mẹ anh em, từ người yêu, từ thầy cô, từ học trò, từ người bán hàng hay người mua hàng, từ thời thế, từ nhà nước, từ mọi người và mọi chuyện trong cuộc đời này, mong đợi mà không gặp, thì mỗi ngày đếm chắc cũng phải vài chục chuyện một ngày. Vì vậy, mỗi ngày ta bị tấn công với hàng chục chuyện “đợi mong không gặp” hay “không đợi mà đến”. Tâm ta, do đó, bị rúng động hàng ngày, rất khó mà tĩnh lặng. Đó là một trong những ‎l‎ý do chính tại sao chỉ số stress rất cao cho mỗi người chúng ta.

Vấn đề khó hơn nữa là vì l‎ý do chủ quan, thông thường ta cứ đợi mong một cách rất xa thực tế cuộc đời. Biết là có ung thư, nhưng đó là chuyện người khác, mình vẫn mong đợi là mình không bao giờ có ung thư. Đụng xe cũng vậy, người khác đụng xe chết chứ đó không phải là chuyện nhà mình. Ngoại tình đòi ly dị là chuyện các ông chồng hư hỏng khác, chứ không phải chuyện nhà mình. Ảo tưởng an ninh đó đánh lừa ta làm cho ta mong đợi một hạnh phúc lâu bền, một cuộc sống thong thả hầu như vĩnh viễn. Đó là cái mà nhà Phật gọi là “chấp” vào ảo tưởng “thường hằng”, ảo tưởng vào sự không thay đổi của đời sống, trong khi cuộc đời là thay đổi liên tục, là “vô thường”.
Nói đến đây có lẽ các bạn đã biết đến giải pháp. Quá rõ ràng. Muốn tránh bị bất ngờ, muốn không bị sốc vì mong đợi mà không gặp, vì không đợi mà gặp, thì ta phải chấp nhận thực tế là cuộc đời “vô thường”, cuộc đời hay thay đổi, hay có những điều ngoài dự liệu.
Nhưng từ “vô thường” nghe có vẻ bi quan quá, phải không các bạn? “Ôi cuộc đời vô thường, hơi đâu mà lo. Làm cho lắm rồi cũng hết. Làm chi cho mệt”. À, đây là tư duy tiêu cực, đã bị các tuồng cải lương Lan và Điệp tuyên truyền hơi nhiều. Người tiêu cực thì nhìn cái gì cũng tiêu cực, chứ nói chi đến “vô thường”. Ngay cả nghe tin trúng số độc đắc, người tiêu cực sẽ phản hồi ngay: “Cho nó có tiền triệu rủng rỉnh để nó bỏ vợ con chạy theo mấy con nhỏ ngoài đường, chớ được gì”. Bạn mang Chúa bằng xương bằng thịt đến cho người tiêu cực, họ cũng sẽ sáng tạo ra được ngay vài phản hồi tiêu cực.
Thực ra, “vô thường” là sinh động, là sống. “Không thay đổi” là không nhúc nhích, là chết, phải không các bạn? “Vô thường” là thay đổi, là sự sống, là dòng chuyển hóa của cuộc đời, là sự lớn mạnh của tâm linh ta. Sống là thay đổi. Sống là sinh động. Sống là “vô thường”. Chúng ta cần nhìn sức mạnh và bản chất sinh động của “vô thường”, và dẹp các tiêu cực kiểu Lan và Điệp đi mới được.

Dòng xe cộ trên đường luôn chuyển động, luôn “vô thường”. Ta biết như vậy cho nên ta lái xe rất uyển chuyển, không phải cứ nhắm mắt đi một đường thẳng. Khi thì phải lách, khi thì phải thắng, khi thì phải quẹo. Đó là sống với “vô thường”.
Biết đuợc “vô thường” có nghĩa là biết uyển chuyển để phản ứng với mọi tình huống trên đời. Tướng đánh trận luôn luôn tính trước đường đi, nhưng luôn luôn biết là cách tính của mình có thể sai vì có nhiều yếu tố bất ngờ có thể xảy ra trong cuộc chiến. Khi gặp bất ngờ mình chỉ cần uyển chuyển đổi kế hoạch rất nhanh, như người lái xe phải thắng hay lạng trên đường thôi. Chẳng có gì đặc biệt cả.
Ngày xưa người ta đi ghe thuyền nên hay ví cuộc đời như một dòng sông. Ngày nay ta đi xe, tốt hơn là nên ví cuộc đời như một dòng xe. Khái niệm “dòng xe” cho ta rất rõ bản chất của cuộc đời và ta lái xe thế nào trong dòng đời đó.
Những vị khách không mời mà đến trong đời luôn luôn làm cho ta đau đớn, không ít thì nhiều. Nói gì thì nói, bị chồng ruồng bỏ bất ngờ, bị con cái đi hoang bất ngờ, chị mất công việc bất ngờ, luôn luôn gây sốc và đau đớn. Nhưng nếu ta đã biết trước là cuộc đời “vô thường” và chuyện gì cũng có thế xảy ra cho chính mình, thì khi gặp biến cố, dù ta có đau đớn, ta vẫn còn đủ nghị lực để gắng gượng và uyển chuyển điều chỉnh mọi việc để vượt qua. Thay vì bị một cơn sốc đến mức tứ chi rũ rượi, đầu óc điên loạn, và điên vì giận hay vì đau, giận người làm mình đau, giận cả ông Trời, mà tai hại nhất là giận cả chính mình, cho “cái ngu” hay “cái thất bại” của mình.
Bạn chẳng ngu hay thất bại. Mà cũng không chắc là ai có lỗi. Chuyện đời là vậy đó. Lâu lâu trời mưa bị trượt chân té gãy tay. Chẳng phải ông trời, mà cũng chẳng phải bạn. Sống là vậy đó. Cứ phải vui vẻ băng bột chờ tay lành thôi.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *