Làm thế nào để phê phán tích cực?

Phê phán hầu như luôn luôn có vẻ tiêu cực, dù là người phê phán có thái độ tích cực thì người “được” phê phán cũng vẫn cảm thấy tiêu cực, không ít thì nhiều. Đó là chưa nói đến, rất thông thường, chúng ta phê phán với thái độ tiêu cực. Nhưng không thể không phê phán được, phải không các bạn. Tư duy phê phán (critical thinking) là một phần quan trọng của tư duy, mà chúng ta đã đề cập trước đây trong bài Tư duy tích cực là gì. Nhưng làm thế nào để ta phê phán mà không có tư duy tiêu cực trong lòng, và người nghe cũng không cảm thấy tiêu cực?

Thái độ luôn luôn đi từ trong tâm ta đi ra, cho nên trong phần dưới đây ta sẽ khảo sát vấn đề từ trong tâm ra đến hành động bên ngoài.
I. Tâm tích cực khi phê phán.
Điều quan trọng nhất là làm thế nào để ta tích cực ngay trong tâm ta khi phê phán, và ta biết rõ là ta phê phán tích cực, chứ không bị chỉ huy mù quáng bởi một tâm tiêu cực? Câu hỏi này nghe như thừa, vì ai trên thế giới cũng nói tôi phê phán tích cực. Vâng, có thể là ta muốn tích cực thật, nhưng không hẳn là tâm ta đang tích cực khi phê phán, phải không các bạn? Nếu tâm mình không sáng suốt thì chính nó lừa mình, mình cũng không biết đâu. Bị người khác lừa thì dễ thấy, chứ bị chính cái đầu của mình đánh lừa mình thì mù luôn. Chỉ có tự quán sát tâm mình chặt chẻ lâu ngày mình mới thắng được chuyện lừa lọc đó thôi.

Vậy thì ta phải quán sát tâm mình kỹ càng trước, trong khi, và sau khi phê phán.
1. Trước khi phê phán. Nếu mình sắp mở miệng phê phán tự xét lại tâm mình là mình có tích cực không. Đây là chuyện trong lòng ta. Lòng ta chỉ ta biết. Cho nên mình phải thật là thành thật với chính mình thôi. Người tích cực có những dấu hiệu sau đây:
a. Phê phán việc làm của người nào đó, chứ không phê phán vể chính bản thân người đó.
b. Dù việc làm và bản thân có liên hệ mật thiết với nhau (như tham nhũng), thì cái ta quan tâm vẫn là việc làm.
c. Đối với cá nhân người bị ta phê phán, dù là bên ngoài ta có thể yêu cầu người đó phải bị trừng phạt, thì bên trong ta vẫn suy nghĩ như là một người bạn rất hiểu yếu kém rất con người của người đó: “Tội nghiệp, tội nghiệp. Cả đời lập nghiệp, chỉ vì một phút yếu lòng mà gây nên khổ”.
d. Nếu tâm bạn chỉ có hừng hực một lòng: “Đồ vô loại, đồ khốn nạn. Mày phải đổ xuống sông cho cá mập ăn mới được”, thì chính là bạn đang rất tiêu cực, đang bị chi phối bởi sân hận và kiêu căng (như là mình không làm quấy bao giờ), và phê phán của bạn có nền tảng tiêu cực.
e. Bạn có suy nghĩ theo kiểu lợi lộc: “Thằng này mà xuống, tôi (hay chúng tôi) lên thay, thì mới khá được”? Tự tin là một việc tốt. Nhưng, rất thông thường, ta thường hay lầm lẫn tự tin với tự kiêu hay tham lam trong lòng ta đó. Khi đã có ước mong quyền lợi trong đó, thì rất khó để mà không tham lam. Đó là chưa kể làm khán giả phê phán cầu thủ thì dễ, làm cầu thủ trên sân cỏ thì lại là một chuyện khác. Hãy suy xét tâm mình thật kỹ.

2. Trong khi phê phán. Khi phê phán một người nào đó, bạn có kể ra cái tốt mà họ đã làm không, hay chỉ kể ra cái xấu mà thôi? Phê phán một chiều luôn luôn tiêu cực, vì đó là bất công và thiên vị. Lời phê phán của người thiên vị luôn luôn phải được đánh dấu hỏi.
3. Sau khi phê phán. Sau khi đã phê phán xong, dù là bạn có cảm xúc như thế nào, bạn có thấy, tận đáy tim bạn, một tí buồn, một tí xót xa, là bạn đã phải làm đau người kia không? Hay là bạn hả hê như vừa trúng số?
II. Hành động tích cực khi phê phán.
Đó là nói đến cái tâm của ta, chí có ta biết. Ngoài ra, trong khi ta hành động bên ngoài, có một vài phương thức để làm cách trình bày của ta tích cực hơn.
a. Khen trước, phê bình sau. Vi dụ: Em làm việc rất siêng năng chăm chỉ, và em làm việc một mình rất hay, nhưng em một mình hơi nhiều nên cả nhóm không có đủ thông tin từ em và không điều hợp tốt với em. Nếu em bỏ ra tí thời gian mỗi ngày, hàn huyên nói chuyện với các bạn thường hơn, thì cả nhóm sẽ làm việc hiệu quả hơn.
b. Thay vì chê “Em yếu, cần mạnh hơn” thì ta nên khen “Em tốt, và vẫn có thể tốt hơn”. Em làm việc này thật là hay, rất giỏi so với nhiều người,. Nhưng nhóm mình phải luôn luôn là số 1 và luôn luôn khá hơn mỗi ngày. Em rán trau chuốt thêm mỗi ngày một tí thì rất hay.
Nếu phê phán mà không khen, và phê phán với luận điệu xỉ vả, thì nhất định là tiêu cực. Ta phê phán môt người vì ta muốn người đó tốt hơn. Phê phán để hạ bệ là phê phán tiêu cực.
c. Cách sử dụng ngôn ngữ. Cách này thì rất khoa học. Nhờ một người bạn của mình thâu băng lén khi mình đang mạnh miệng phê phán ai đó, rồi ngồi nghe lại một mình giữa đêm vắng lặng. Ngôn ngữ mình dùng nói đến yêu thương nhiều (không cần biết yêu thương ai) hay là ngôn ngữ thù hận, kiêu căng, tục tằn. Người tích cực luôn dùng ngôn ngữ yêu thương. Người tiêu cực dùng ngôn ngữ thù hận. Loại ngôn ngữ nào có nhiều trong cách phê phán của bạn?
Nếu đọc nhật k‎‎ý Đặng Thùy Trâm, các bạn sẽ thấy cuốn nhật ký toàn là ngôn ngữ yêu thương. Năm thì mười họa mới có môt vài chữ có vẻ căm phẫn Mỹ, đương nhiên là do đau khổ mà ra. Người tích cực là như thế, luôn luôn có tình yêu và dùng ngôn ngữ tình yêu, và tâm trí hướng về tình yêu, dù là đang xung trận một mất một còn. Họ không có thời giờ để suy tư thù hận.

Và dù là ta nói đến hành động bên ngoài hay thái độ bên trong của tâm trí, chúng ta cần nhớ thường xuyên là tư duy tích cực là một thái độ của con tim. Và thái độ của con tim của ta thì chỉ có ta biết, cho nên ta phải rất thành thật với chính mình để có thể thấy con tim của mình, và phải rất tự kỹ luật để tự huấn luyện con tim của mình. Chẳng ai làm được các việc này cho mình cả.
Còn các hành động bên ngoài? Đương nhiên chúng phản ánh phần lớn con tim của mình. Phần nhỏ còn lại, có thể là người ngoài không thể nào hiểu hết con tim mình được; hiểu lầm là chuyện đương nhiên ở đời. Hoặc là chính mình đôi khi làm vài chuyện ngu si mà chính mình cũng không muốn làm. Đây lại cũng là chuyện đương nhiên ở đời. Cứ phải cố lên thôi.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/ undefined

One Reply to “Làm thế nào để phê phán tích cực?”

  1. LoanCamTran writes:sao nhỉ ! bài nào trên blog anh em cũng thấy thích ! rất thú vị và hữu ích ! cho em lưu lại trên blog mình anh nha !

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *