Thành công là gì?

Chúng ta thường hay nói đến “thành công” như là một đích điểm quan trọng của cuộc sống và ta nói tư duy tích cực đưa đến thành công. Nhưng thành công là gì?

Nói theo nghĩa thông thường nhất thì thành công có nghĩa là khi ta có một mục đích nào đó và ta đạt được nó. Xa hơn môt tí, thì có lẽ mọi người chúng ta đều đồng ‎ý là mục tiêu tối hậu của mỗi người trên đời chính là tìm “niềm vui và bình an” trong lòng mình; có được niềm vui và bình an trong tâm, đó là thành công.
Như vậy, có nghĩa là cách định nghĩa thành công của chúng ta ở đây hoàn toàn có tính cách chủ quan. Chính mình định đích điểm đời mình và thành công của mình. Chẳng có mục tiêu khách quan nào bên ngoài cả. Điều này rất quan trọng, vì nếu chúng ta chỉ cần một mái nhà tranh hai quả tim vàng, mấy con gà và một con chó, và ta đã đạt được điều đó, tức là ta đã thành công trong mục tiêu đó, dù rằng mấy tờ báo lá cải chỉ tin là các người đi xe hơi mới được gọi là thành công.
Tuy nhiên ta cần phân tích ý niệm thành công sâu hơn một chút trong thực tại đời sống.
1. Nếu một người muốn có thật nhiều tiền để có một ngôi biệt thự vĩ đại, và làm việc ngày đêm căng thẳng, chụp giật, gian lận, lắm stress, lúc nào nói chuyện cũng chửi thề vì bực tức. Người đó rốt cuộc đạt được mục đích là xây được căn biệt thự theo ‎ mình muốn. Như vậy phải là thành công không các bạn? Ta có thể nói là người này đã thành công trong mục tiêu kiếm nhà.
Nhưng có lẽ cũng như mọi người khác, người này còn mục tiêu khác sâu xa hơn, một ước muốn sâu xa hơn, đó là “niềm vui và bình an cho mình.” Nếu vậy thì, mục tiêu “niềm vui và bình an cho mình” có đạt được không lại là chuyện khác. Giả sử trong tiến trình kiếm tiền, anh ta bỏ bê vợ con, lại học thêm các thói hư tật xấu để cho mấy đứa con bắt chước (như là chửi thề, nghi kỵ mọi người chung quanh, mọi tính toán đều do đồng tiền chi phối …), rồi mấy đứa con trở thành hư hỏng, và chính anh ta cũng đang nuôi đủ mọi mầm bệnh trong người, từ cơ thể (như bệnh tim, đau bao tử, …) đến tinh thần (các loại suy nhược thần kinh), thì thử hỏi anh ta đã thành công trong việc tạo lập hạnh phúc cho mình hay chưa? Hay là thành việc trước mắt, nhưng hỏng việc đường dài?

2. Nếu mục tiêu của một người là chẳng có mục tiêu gì hết trong đời thì sao? Thưa, có hai loại người sống không có mục tiêu.
• Loại thứ nhất là thánh nhân, sống không cần gì ở đời, nhưng rất yêu đời yêu người. Luôn luôn vui vẻ thanh thản và luôn luôn sẵn sàng làm một việc gì đó giúp đời giúp người.
• Loại thứ hai là những người lười biếng tiêu cực, không muốn làm gì, và tối ngày phàn nàn chê bai cuộc đời. Loại này không bao giờ vui. Và nếu là ai trong thiên hạ cũng xem niềm vui của mình là mục tiêu tối hậu, thì loại người này không có thành công bao giờ.
Trong hàng tiêu cực thì lại có hai loại.
– Loại tiêu cực thụ động tối ngày phàn nàn càm ràm.
– Loại tiêu cực chủ động sống tiêu cực và chủ động truyền bá lối sống tiêu cực. Loại này đã bắt đầu ra khỏi cách sống “không mục tiêu” và từ từ có mục tiêu tiêu cực với đời sống. Loại này lại chia ra làm hai loại khác:
(a) Loại trộm cướp vặt — sống tiêu cực làm hại người khác và gây thêm băng đảng.
(b) Loại người truyền bá tiêu cực để gây chiến tranh hay kích động khủng khoảng chính trị xã hội để phục vụ các mục tiêu của riêng họ. Loại này thì ta thấy thường xuyên trong thông tin thời sự quốc tế. Loại người chuyên gây chiến này, dĩ nhiên là tâm của họ không bao giờ an bình và vui vẻ, vì bản chất của chủ chiến là chết chóc và đau khổ. Nhưng còn xa hơn thế nữa, khả năng của họ để mang lại khổ đau cho nhiều người khác, đôi khi cho cả quốc gia hay cả thế giới, rất cao.

Vậy thì khái niệm thành công của ta cần phải được đặt trong bậc thang giá trị của các hạng người trên đây. Đối với người tư duy tích cực, ta hiểu nghĩa thành công như là (1) luôn luôn có “niềm vui và bình an” trong lòng như là mục tiêu tối hậu, và (2) dù là ta có định mục tiêu ngắn hạn nào đó trong đời, như là kiếm tiền mua một ngôi nhà thật đẹp, thì phương cách ta dùng để đạt mục tiêu ngắn hạn đó (mua nhà) sẽ không phản lại, nhưng còn hỗ trợ, cho mục tiêu tối hậu là “niềm vui và bình an” trong lòng.
Và vì “niềm vui và bình an” trong lòng ta liên hệ mật thiết với niềm vui và bình an của mọi người và của thế giới này, chúng ta không thể làm người khác thêm đau khổ mà tin rằng ta sẽ có được niềm vui và bình an trong lòng. Điều đó không thể xảy ra (trừ khi đối với người điên, trong vài trường hợp). Cho nên ý niệm tự do chủ quan để lựa chọn mục tiêu thành công của ta, thực ra vẫn nằm trong một giới hạn khách quan–giới hạn đó là sự an vui của người khác, và của thế giới. Nếu ta không quan tâm đến an vui của người khác, ta sẽ tự phá hủy an vui của chính mình. Điều này cũng giống như người thải khí độc trong không khí để hại đến người khác, chính mình cũng sẽ hít thở nó.
Thỏa mãn bất kỳ mục tiêu ngắn hạn nào đó (như nhà cửa xe cộ), nhưng không làm hỏng mục tiêu tối hậu “niềm vui và bình an”, đó mới thực sự là thành công của người tư duy tích cực.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *