Các phản biện chống tư duy tích cực

Nhiều khi nói đến tư duy tích cực với ai, ta có thể nhận một phản ứng chống đối, đôi khi chống đối rất dữ dội, rằng ta không thực tế, không hiểu những khó khăn khốn khổ của cuộc đời, rằng ta lý thuyết, rằng ta ngây thơ.

À, những người phản ứng như thế có hai vấn đề: Thứ nhất, họ chưa hiểu tư duy tích cực là gì. Thứ hai, rất có thể họ là người tiêu cực, và chỉ có thể thấy mọi sự, kể cả tư duy tích cực, qua lăng kính tiêu cực.
• Nếu giữa đường có tảng đá chắn ngang, đó là khó khăn, ai lại không thấy? Kể cả người mù, đụng vào đó một cái rầm là biết ngay.
Và tất cả mọi người đều thấy được “thực tế” đó. Người tiêu cực thì thấy tảng đá quá lớn, không có cách nào vượt qua. Thôi thì bỏ cuộc, đi đường khác. Người tích cực thì thấy tảng đá rất lớn, nhưng dù lớn cách nào thì cũng có cách di chuyển nó sang một tí bằng cách đào đường và đòn bẫy để bẫy nó lăn đi, hoặc đào đường vòng để mình đi quanh tảng đá. Ai cũng thấy “thực tế”, chỉ là hai “thực tế” khác nhau cho hai loại người khác nhau đối diện cùng một khó khăn.
• Nếu nói về khốn khổ thì ai bị mất việc, không có tiền trả tiền nhà tiền ăn, cũng phải thấy cái khổ đó. Người tiêu cực thì thấy đó là bản chất của cuộc đời, thấy rằng số mình là số con rận, thấy rằng đời chỉ là đầy đọa. Người tích cực thì thấy đó là chuyện bình thường. Đã sống ở đời thì có khi có việc tốt, có khi thất nghiệp và thất nghiệp túng tiền chỉ là “một thử thách nữa” để mình chiến thắng, để bỏ công dữ dội hơn tìm việc.

• Có người lại cho rằng đời có vui buồn yêu giận. Tư duy tích cực tức là bóp méo cuộc đời, là làm cho cuộc đời mất hết thi vị với những bộ mặt khác nhau của nó. Ý này nghe ra rất hay, nhưng vẫn là lầm lẫn về bản chất của cuộc đời.
Thất tình: hỉ, nộ, ái, ố, bi, lạc, dục. Đây là “bản chất của cuộc đời” hay là “cái nhìn của tâm ta về cuộc đời” vậy? Nếu hôm nay trời mưa, bạn nhìn mưa và rất buồn (vì lý do gì đó, thi hỏng chẳng hạn), thì bản chất trời mưa là buồn hay sao? Đó là mưa buồn hay bạn buồn?
Nếu có người làm bạn giận dữ vì lý do gì đó, nói dối về bạn chẳng hạn, thì đó là vì cuộc đời có nhiều giận dữ hay chỉ vì bạn chưa điều khiển được tâm mình đến mức tuyệt diệu? Có thể nói bản chất của cuộc đời là có người nói dối chống bạn, giận dữ hay không là do bạn, chứ không phải bản chất của cuộc đời.
Nếu bị người yêu bỏ, đương nhiên ai lại không buồn? Nói là người tích cực không buồn khi bị phụ tình thì hóa ra là chàng ta như rôbô sao? Nhưng người tiêu cực, khi thất tình thì uống rượu chửi người và chửi đời. Người tích cực thì: “Mỗi quả tim là một cánh chim tự do. Nàng đã đi rồi, buồn thật đấy, nhưng tốt hơn là cầu xin thượng đế cho nàng nhiều bình an và hạnh phúc, vì nàng vẫn là con của thượng đế dù là đi với mình hay với thằng cốt đột nào đấy”.

• Có người lại nói người tư duy tích cực không phán đoán, lúc nào cũng thấy mọi sự là tốt, cho nên không có khả năng thấy cái xấu của sự vật. Đây lại cũng là một hiểu lầm lớn về tư duy tích cực. Nếu một quan chức tham nhũng, làm sao đó là chuyện tốt được. Thực ra, chính những người tiêu cực mới nói tham nhũng là chuyện “dĩ nhiên”, là chuyện “chấp nhận được”, là chuyện của “người hiểu đời”.
Không một người tích cực nào chấp nhận tham nhũng là OK dưới bất cứ lý do và lý luận nào! Và khác với người tiêu cực chấp nhận cái xấu như là chuyện đương nhiên của cuộc đời, người tích cực sẽ tích cực tìm ra cách chận đứng cái xấu càng nhiều càng tốt. Thay vì chấp nhận “thực tế” rằng “tham nhũng là bản chất của cuộc đời” và, do đó, đồng lõa với tham nhũng, người tích cực sẽ thấy rằng trên “thực tế” tham nhũng lộng hành vì không có nhiều người tích cực đứng lên chống đối tham nhũng, tố cáo tham nhũng, làm những công việc chặn đứng tham nhũng.

• Một hiểu lầm thường thấy khác là tích cực hay tiêu cực là bản chất của từng người. Điều đó hoàn toàn sai. Tích cực và tiêu cực có sẵn trong mỗi người chúng ta. Khi ta giận dữ hay sợ hãi, thì năng lực tiêu cực sẽ trỗi dậy làm ta suy nghĩ và hành động tiêu cực. Khi ta bình tĩnh, vui vẻ và yêu thương, năng lực tích cực chiến thắng và làm ta suy nghĩ và hành động tích cực. Con người chúng ta thường bình tĩnh hay yêu mến khi mọi sự chung quanh đều tốt, cho nên rất dễ để tích cực khi đang có công việc tốt, cuộc sống tốt và người yêu tốt. Chỉ khi gặp khó khăn, thì lo lắng và buồn giận mới có cơ hội trỗi dậy và tạo cơ hội cho những năng lực tiêu cực chiếm hữu con tim và khối óc của ta. Lúc đó, chính là lúc ta phải chiến đấu với chính mình, phải biết cách làm cho con tim của mình bình tĩnh và đầy yêu ái trở lại để các năng lực tích cực trở về, hầu ta có thể suy tư và hành động trong chiều hướng tích cực.
Tóm lại, tư duy tích cực là cuộc chiến đấu triền miên để tự thắng và tự chủ. Đó không phải là bản chất thường trực của con ngưởi, không phải là một chuyến du hành chỉ có nắng trong gió mát và không sóng gió. Đó là ánh sáng của ngọn đèn trong tim, thường xuyên bị đe dọa bởi chính những bão tố trong tim.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *