Chủ nghĩa nhãn hiệu là labelism, là chủ nghĩa phân loại và đối xử với mỗi người tùy theo nhãn hiệu ta gắn cho họ.
…
Khi mô tả ai đó, chúng ta có khuynh hướng nói như thế này: “Chị ấy sinh năm 1973, dạy toán tại THPT Nam Định, công giáo, thanh niên xung phong xuất sắc, 5 tuổi đảng, ly dị, một con trai 7 tuổi, cắt tóc ngắn, thích nhạc cổ điển, thỉnh thoảng ngồi quán cà phê với mấy tay triết lý và hút thuốc, v.v…”
Mỗi mệnh đề giữa hai dấu phẩy trong đoạn trên là một nhãn hiệu. Mỗi nhãn hiệu cho chúng ta một khái niệm nào đó về chị này. Ví dụ, hmm… Dạy toán — thông minh, logic và cứng ngắc; Công giáo — cứng ngắc thứ dữ; Thanh niên xung phong xuất sắc — làm việc tốt; 5 tuổi đảng — thực dụng, chắc không quá cứng ngắc; Ly dị – chắc không chịu chồng quản lý; Nuôi con nhỏ – không có thời giờ bay bướm với đàn ông; Cắt tóc ngắn — cấp tiến; Thích nhạc cổ điển — trầm tính; Chơi với mấy tay triết lý và hút thuốc — úi cha, thứ dữ!
Mỗi nhãn hiệu nhỏ cho chúng ta một ít khái niệm chủ quan. Cuối cùng ta sẽ tổng hợp lại thành một nhãn hiệu lớn “Chơi được” hay “Không được” hay “Đánh dấu hỏi”.
Suy nghĩ như vậy là suy nghĩ theo chủ nghĩa nhãn hiệu đó các bạn. Và trong đời sống này, chủ nghĩa nhãn hiệu thống trị, do đó cái quan trọng nhất khi tìm việc là resume (hay curriculum vitae) của bạn.
Nhưng đó cũng là nguồn gốc của bao chia rẽ và chiến tranh của con người. Mỗi nhãn hiệu mà ta dùng là một thành kiến (prejudice), và là cái mà nhà Phật gọi là “chấp”. “Chấp” làm cho mình “vô minh”, thiếu ánh sáng. Điều này thì rất dễ chứng minh: Ngay chính con người của mình mà đôi khi mình còn không hiểu được. Bao nhiêu lần ta đã nói: “Tôi thật không hiểu tại sao tôi làm thế” hay “Tôi cũng không biết tại sao tôi yêu cô ấy dữ dội quá”? Chính ta ta còn không hiểu hết được, thì bất kỳ kết luận nào ta rút ra từ một mớ nhãn hiệu về một người khác đương nhiên là không chính xác. Và nếu ta cứ suy nghĩ và cư xử với người kia theo kết luận không chính xác đó, thì đó không phải là “vô minh” sao?
Nhưng đây là vấn nạn lớn của cuộc sống: Nếu không dùng các nhãn hiệu như thế để biết nhau một tí thì còn cách nào khác? Làm thế nào để tìm việc và tuyển nhân viên nếu không có resume?
Đây chính là điểm mấu chốt nhất, nếu không phải là điểm khó khăn duy nhất, của cuộc sống tâm trí: Làm sao mình phải sử dụng các nhãn hiệu thường xuyên để làm việc, nhưng vẫn không có một tí thành kiến nào, không có một tí “chấp” nào trong tâm? Làm sao sống trong cuộc đời với nhãn hiệu với một “tâm không”, một tâm hoàn toàn trống rỗng, không có một “chấp” nào?
Đây là cuộc hành trình suốt một đời người. Mỗi người chúng ta sẽ phải tự tìm câu trả lời trong suốt đời mình. Tất cả các câu trả lời của người khác đều là lý thuyết viễn vông đối với bạn. Bạn cứ phải suy nghĩ và tìm ra câu trả lời qua trải nghiệm về cuộc sống hàng ngày của chính bạn.
Tuy nhiên, có việc cấp bách ta cần phải làm hôm nay, ngay lúc này, mình muốn nói với bạn. Chúng ta hãy nghe một vài câu nói thường nghe hàng ngày: “Tôi biết anh là người Thiên chúa giáo, nhưng tôi vẫn rất quí anh”, hay “tôi biết chị gốc ngụy nhưng tôi vẫn rất tin chị”, hay “anh là đảng viên nhưng tôi vẫn tin anh” hay “anh là người miền Trung nhưng tôi vẫn mến anh”.
Các bạn có “ngửi” thấy mùi nhãn hiệu trong các câu nói này không? Người nói muốn cho biết rằng mình không lệ thuộc vào nhãn hiệu, nhưng không phải cách nói đó cho thấy anh ta là nô lệ của nhãn hiệu sao? Nếu nhãn hiệu không là gì cả, nếu ta thực sự không nô lệ cho nhãn hiệu, mắc mớ gì phải nhắc đến nhãn hiệu trong câu nói?
“Em à, dù trước kia em làm gái làng chơi, anh vẫn yêu em vô cùng”. Cái câu tuyên bố hùng hồn về tình yêu này nghe không ổn rồi, phải không các bạn? “Dù em là đàn bà, anh cũng rất phục sự thông minh của em”. Rất tiếc là các câu nói “nhãn hiệu đi trước” kiểu này ta nghe rất thường, cứ như là cách nói chuyện kiểu mẫu.
Đó là “vô minh”. Những nhãn hiệu này thực sự là những mảnh giấy dán kín tâm hồn và con mắt trí tuệ của ta. Đó là nguồn gốc của chia rẽ và chiến tranh trong lòng người, đưa đến chia rẽ và chiến tranh trong gia đình, trong trường sở, trong quốc gia, trong thế giới.
Rất tiếc là người “vô minh” thì không biết là mình “vô minh”, vì nếu biết là mình “vô minh” thì không còn là “vô minh” nữa. Bản chất của thiếu ánh sáng là làm mình không biết được mình, cho nên chúng ta cần luôn tĩnh thức và thành thật với chính mình thì may ra có thể có được tầm nhìn mạnh đủ để xuyên thủng màn “vô minh”, thấy rõ được tâm mình.
Tối thiểu là ngay từ bây giờ chúng ta cần gạt bỏ sự nô lệ vào nhãn hiệu trong tâm tưởng: Bạn có hay thắc mắc là người bạn mới quen gốc người ở đâu? Anh ta theo đạo gì? Anh ta có phải là đảng viên không? Anh ta có khuynh hướng chính trị gì? Anh ta theo chủ nghĩa nào? Gia đình anh ta trước kia làm gì? Anh ta đã làm gì trong quá khứ?
Dĩ nhiên là bạn bè quen biết lâu năm thì tự nhiên ta biết rất nhiều về bạn của mình. Nhưng lúc mới quen, bạn có hay thắc mắc về những nhãn hiệu này không? Bạn có hỏi không, dù là hỏi ra tiếng hay hỏi thầm trong đầu? Nếu những nhãn hiệu này quan trọng với bạn trong liên hệ con người, thì bạn đang theo chủ nghĩa nhãn hiệu đó.
Mình không nói là bạn nên khờ khạo đến nỗi trao tiền cho một người mà hoàn toàn không biết gì về người đó. Nếu phải trao tiền, dĩ nhiên là bạn phải biết về người đó đủ để tin là họ sẽ trả tiền lại, nếu không thì sẽ bị mất việc nếu đó là tiền của công ty. Mình chỉ muốn nói là trong liên hệ con người, liên hệ trực tiếp từ con tim đến con tim là cách liên hệ chính của bạn, hay từ nhãn hiệu đến nhãn hiệu – từ “giám đốc” đến “chủ tịch”, từ “tiến sĩ” đến “giáo sư”?
Thái độ của mình rất rõ ràng về việc này. Nếu bạn là bạn của mình, thì một lúc nào đó nếu bạn có thổ lộ là bạn đã từng ở tù 15 năm vì giết 3 mạng người, thì mình biết câu trả lời có sẵn của mình là: “Rồi sao? Mình đâu có cần biết chuyện đó” (So what? I don’t need to know).
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/