Chiến đấu với chính mình

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã quen với câu “Cuộc chiến khó nhất là cuộc chiến chống lại chính mình”. Và điều này thì thật là chính xác. Tự thắng mình để trở thành thiện hảo hơn một tí mỗi ngày không phải là dễ, và đó là cuộc đấu tranh suốt đời. Thắng kẻ địch bên ngoài thì rất dễ, tự thắng thì khó hơn nghìn lần. (Mình không cưỡng được máu tiếu lâm để nêu ra đây một ví dụ rất rõ. Đảng ta bách chiến bách thắng với tất cả hùng binh thiên hạ, vậy mà chỉ có cái việc chống tham nhũng thôi thì cà xịch cà tang muôn năm).

Nhưng hôm nay mình muốn bàn đến một vấn đề tế nhị trong suy tưởng. Khi nói đến “cuộc chiến tự thắng” phải chăng ta rất dễ bị lỗi lầm là nghĩ đến những điểm yếu của chính ta như là một kẻ thù cần phải triệt hạ? Và nếu như vậy thì không phải là ta tự chối bỏ một phần của chính ta sao? Và như vậy không phải là ta sẽ bị đặt trong một tình trạng đau khổ trong tâm thức hay sao? “Cái tên tồi tệ này, sao nó cứ ở mãi trong tôi, làm sao để tôi giết chết nó đi để con người tôi thánh thiện ra?”. Đó không phải là một hình thức split personality (phân chia nhân cách) mà những trường hợp nặng nề là một loại tâm bệnh nguy hiểm hay sao?
Nếu các bạn nghĩ rằng đây là một câu hỏi lý thuyết chẳng liên hệ gì đến cuộc sống, thì hãy nghĩ lại xem. Đã bao nhiêu lần chúng ta đã rất bực mình với yếu kém của chính mình? Đã bao nhiêu lần ta làm ta thất vọng? Đã bao nhiêu lần ta hầu như tuyệt vọng về yếu kém của mình?
Nhưng nếu suy nghĩ sâu xa hơn một tí thì lối suy nghĩ “chiến đấu chống lại chính mình” có gì không ổn, phải không các bạn? Bao nhiêu chuyện trên đời phải chiến đấu, cơm, gạo, điện, nước, nhà ở, áo quần, công việc, lại ôm thêm cuộc chiến chống lại chính mình 24 giờ một ngày! Sống sao nổi?

Trước đây nhiều năm, nếu mình nhớ không lầm, đọc cuốn giảng Kinh Kim Cang của Thiền Sư Nhất Hạnh, có đoạn Thiền Sư nói về ôm ấp cái giận, cái đau của mình, đừng chối bỏ hay xua đuổi nó, hãy nhìn nhận và yêu thương nó, vì nó chính là mình, là một phần của mình. Phản ứng đầu tiên của mình là: “Hmm… Thiền sư này nói sao nghe… chùa quá… Nhưng… nghe cũng rất mới lạ. Ít ra là nó đề nghị cách giải quyết vấn đề chỉ có một phe, là phe ta, chứ không có thằng tôi ‘thiện’ đánh nhau với thằng tôi ‘ác’. Không có mâu thuẫn nội tâm”. Vậy là mình để tâm nghiên cứu vấn đề thêm một tí.
Và sau đó thì mình nhận ra ngay là “nhìn nhận và ôm ấp cái yếu, cái đau của mình” đã là một thực hành tâm lý được sử dụng rất nhiều từ Tây sang Đông. Kể từ Sigmund Freud, khoa phân tâm học đã chữa bệnh tâm thần bằng cách giúp bệnh nhân từ từ đi ngược về dĩ vãng để lôi ra ngoài ánh sáng những kinh nghiệm không vui bị chôn dấu (repressed) trong tiềm thức từ trước và ngày nay sinh ra những vần đề tâm lý. Khi bệnh nhân (với sự giúp sức của bác sĩ phân tâm) lôi ra đúng “chàng đạo tặc” và bệnh nhân xác nhận là “chính hắn”, thì bệnh nhân tức thì lành bệnh. Điều này thì rất căn bản; mình đã biết từ hồi học triết ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, nhưng chỉ nghĩ đến “mấy người bị bệnh” chứ không nghĩ đến áp dụng vào đời sống thường nhật cho chính mình.

Trong khoảng một thập niên trở lại đây, khoa tâm lý phổ thông (pop psychology) ở Mỹ cũng chú tâm đến đối diện niềm đau trong tâm, nói nó ra ngoài (talk it out), để có thể làm hòa (reconcile) với nó và với chính mình, và đóng cửa vấn đề (put a closure on the problem).
(Vấn đề là lý thuyết này trở thành quá hấp dẫn đến nỗi ngày nay nó trở thành các reality show (show thực tế) trên TV Mỹ, trong đó mọi người được trả tiền để mang những chuyện kín trong gia đình, lên TV nói cho thiên hạ nghe, để reconcile và put a closure!! Mà mình cũng không biết các chuyện này có thực đến mức nào hay các vị sẵn sàng phịa đủ thứ chuyện điên khùng chỉ để lấy tiền bỏ túi).
Ở phương Đông thì dĩ nhiên là các thiền sư đã thực hành từ hơn 2 nghìn năm nay bằng cách thiền quán —ngồi quan sát tâm thức của mình rất kỹ, vui thì thấy mình vui và biết tại sao mình vui, buồn thì biết mình buồn và tại sao buồn, giận thì biết mình giận và tại sao giận. Các thiền sư chỉ làm việc giản dị là quán sát để thấy mà thôi, chứ không triệt hạ, thanh toán cái xấu của mình gì hết. Chỉ có thiền định và thiền quán, chứ không có thiền triệt hạ, thiền đấu tranh. Chỉ nhìn chính mình, cái xấu lẫn cái tốt của mình, một cách dịu dàng, rõ ràng, không kết án, không phán đoán, không nhảy cỡn, không than khóc, chỉ với một quả tim thân ái dịu dàng và sáng suốt. Từ từ cái yếu của mình sẽ biến đi, như tên trộm đã được biết tên biết mặt và được cư xử nhân ái và nay biến thành người lương thiện.

Tư tưởng thiện ác thanh toán nhau là tư tưởng căn bản của triết lý và văn minh tây phương mấy ngàn năm nay. Nó là một loại tư tưởng dễ gây xung đột trong tâm thức con người cũng như chiến tranh trong xã hội. Những năm gần đây, Phật học trở thành một hấp lực với trí thức tây phương cũng vì lý do hòa ái là căn bản của Phật học.
Nhưng mình không viết bài này để nói về Phật học, mà nói về một điểm quan trọng trong tâm thức chúng ta. Chúng ta không cần phải chối bỏ hay chạy trốn sự yếu đuối của mình. Cứ nhìn nhận nó, ôm ấp nó, nói chuyện với nó, với yêu thương nhân ái, vì nó là một phần của mình, nó là mình. Không vì lý do gì mà mình có thể tự ghét mình, tự coi thường mình, tự nguyền rủa mình — đó là một thái độ thiếu lành mạnh. Điều này được xem là căn bản của tâm lý học ngày nay, từ Tây sang Đông, không có ngoại lệ.
Giả sử cánh tay trái của mình bị liệt, mình không cần phải chặt nó đi, hay thù ghét nó, hay cố tình xem như nó không có đó. Cứ vẫn nhìn nhận nó, yêu thương nó, và xử với nó như là cánh tay của mình. Một ngày nào đó mình sẽ khám phá ra là mình vẫn có thể làm các việc phi thường, với một cánh tay bị liệt.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *