Đọc nhiều bài về tư duy tích cực, có thể các bạn đôi khi thắc mắc: khi thì nghe thấy sức mạnh dũng mãnh của ý chí, khi thì nhịn nhục, yêu kẻ thù, không hơn thua, chín bỏ làm mười. Vậy thì, chúng ta phải mạnh hay phải yếu? Khi nào nhu, khi nào cương? Khi nào chiến đấu, khi nào sẵn sàng nhịn nhục khi bị tát? Và mình luyện mình mạnh ý chí hay mềm ý chí đây? Lộn xộn trong cái đầu quá.
…
Có rất nhiểu cách trả lời câu này, và từ đó có thể sinh ra nhiều công thức khác nhau. Nhưng cách tốt nhất là đừng rớ vào công thức, vì công thức, dù là có thể giúp học sinh mới nhập môn vài ba cách luyện tập dễ dàng, nhưng cũng có nguy cơ làm chúng ta bị cầm tù trong vòng kềm hãm của công thức, không bao giờ cất cánh bay xa được.
Cách hay nhất là chú tâm vào căn bản của tư duy tích cực: Yêu mình, yêu người và yêu đời. Mà tình yêu là mật ngọt, là dịu hiền, là hoa cỏ của cuộc đời, phải không các bạn? Người ta so sánh tình yêu với gió mây, với hoa lá, với suối sông, chứ ai lại ví tình yêu với cái búa tạ hay cái cào cỏ bao giờ? Bản tính tình yêu luôn là dịu dàng và mềm dẻo.
Nhưng dịu dàng khiêm tốn có nghĩa là yếu hay mạnh? Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói: “Người rất thiện thì như nước. Nước làm lợi cho vạn vật nhưng không tranh giành. Ở chỗ mọi người ghét (chỗ thấp hèn). Cho nên gần với đạo sống”.
Nước dịu dàng nên đi khắp nơi, sờ đến được mọi người, mọi vật. Và nước khiêm tốn nên không ở mãi trên cao mà cứ tìm chỗ trũng, chỗ thấp, chỗ mọi người chê mà đến. Nhưng nước mạnh hay yếu, các bạn?
Hiền dịu, khiêm tốn, nhịn nhục và tình yêu không bao giờ đồng nghĩa với yếu hèn cả. Trái lại là khác. Chúng ta ai cũng thấy là rất dễ cho chúng ta nổi tự ái khi bị ai phê phán động chạm một tí, và cải vã nhau chỉ vì một tí đụng chạm không đáng chi là chuyện rất thường xuyên. Ta có thể thấy trong các diễn đàn internet hàng ngày. Nhưng nhịn nhục cười đùa khi bị xúc phạm thì đòi hỏi công lực cao thâm hơn rất nhiều, phải không các bạn?
Và chúng ta ai cũng biết sức mạnh của tình yêu. Các bạn có bao giờ thấy một con gà mái dẫn đàn gà con kiếm ăn lít chít trong sân chưa? Gà mái có lẽ là con vật nhát gan nhất trên trái đất. Không bao giờ bạn thấy gà mái đấu tranh cãi cọ việc gì, nếu bị đuổi là chỉ có làm một việc chạy. Nhưng khi dẫn đàn gà con đi kiếm ăn, gà mái sẽ đứng lại xù lông xù cánh, ăn thua đủ đến chết nếu có chú quạ nào rà xuống định xơi tái mấy chú gà con lăng xăng như các lọn bông gòn vàng óng ánh. Chó mèo cũng không đến gần các chú gà con được. Phải bước qua xác mẹ chúng thôi. Vịt mẹ cũng vậy. Chó mẹ cũng vậy. Heo mẹ cũng vậy.
Tình yêu làm cho chúng ta trở thành dũng mãnh phi thường. Tình yêu cho chúng ta can đảm và sức mạnh mà nếu không có tình yêu thì ta không thể có. Gandhi nói: “Sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay là tình yêu”.
Ngay cả khi như không thấy sức mạnh đâu cả, thì tình yêu vẫn cầm giữ trong tay sức mạnh vô song:
“Hát mừng những người mẹ Việt Nam
Hát mừng những người mẹ anh hùng
Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao
Vì đất nước hy sinh cả cuộc đời
Nhìn mái tóc mẹ bạc phơ và ánh mắt mẹ như mơ
Là biết mấy chờ mong mỏi mòn
Từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại”.
Cả đời chờ từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại. Có điều gì trên đời khổ đau và khó khăn hơn thế nhỉ? Nhưng mẹ vẫn làm được vì mẹ có tình yêu, cho từng đứa con, và cho triệu đứa con, và cho cả đất nước này.
Vậy thì tình yêu hiền hòa, dịu ngọt, khiêm nhu, nhưng tình yêu cũng can đảm, dũng mãnh, anh hùng. Mạnh và yếu sống với nhau và hòa quyện với nhau làm một, như âm dương trong vòng thái cực chứ đâu phải là chối bỏ nhau, bỏ một chọn một, có một mất một đâu. Như nước hiền hòa và nước thành sóng thần đẩy tan rừng núi. Như gió dịu dàng và gió thành giông bão thổi sập đồi non.
Nhưng thế thì khi nào ta khiêm nhu, khi nào ta dũng mãnh?
À, đây là loại câu hỏi thực sự không có câu trả lời. Đó chẳng khác gì hỏi người họa sĩ: “Khi nào anh dùng màu đỏ, khi nào anh dùng màu vàng” hay người ca sĩ: “Khi nào chị hát mạnh, khi nào chị hát nhẹ”. Dĩ nhiên ta có thể trả lời bằng một công thức nào đó như “khi muốn có vẻ sắt máu thì đỏ, vui vẻ thì vàng” hay “nhạc vui thì hát mạnh, nhạc buồn thì hát nhẹ”. Nhưng người hơi chuyên nghiệp một tí thôi là đã có thể biết các công thức này chỉ là các câu trả lời nhảm nhí. Nguời họa sĩ chỉ biết mình dùng màu gì khi dùng màu đó. Người ca sĩ chỉ biết hát mạnh yếu thế nào khi đứng trước một nhóm khán giả nào đó trong một khung cảnh nào đó với một cảm xúc nào đó. Có tập trước ở nhà thì cũng chỉ là tập chứ không phải thật.
Chỉ có một câu trả lời chính xác nhất là: Khi đụng chuyện, tự khắc mình biết mình sẽ phải làm gì — nhịn nhục hay chiến đấu. Tình yêu trong mình lúc đó sẽ cho mình biết mình phải phản ứng thế nào.
Và chỉ có một công thức tổng quát đúng cho mọi con tim tư duy tích cực trong mọi trường hợp mà thôi. Đó là, Người tích cực thường không thấy nhu cầu phải bảo vệ mình và sẵn sàng nhịn nhục khi mình bị xúc phạm, nhưng thường can thiệp khi thấy người khác bị hà hiếp bất công.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/