Tha lỗi chính mình

Có lẽ là người mà ta cư xử nghiêm khắc và khó khăn nhất trên thế giới không phải là con cái hay học trò hay kẻ thù, mà là chính ta. Đôi khi ta làm một lỗi lầm nào đó, ta ân hận, đau đớn, và mang cảm giác tội lỗi rất nhiều năm. Và mặc dù là ta có thể tha lỗi cho ai đó dễ dàng, hình như ta vẫn không thể nào tha lỗi cho chính mình được.

Đôi khi đó là một lỗi lầm lớn, nhưng thường khi đó là chuyện rất nhỏ. Dù vậy ta vẫn không bỏ qua cho ta được. Và những khi như thế chúng ta thường ân hận, đôi khi xỉ vả chính mình, và thường khi mất cả tự tin vào mình.
Trong những biến cố lớn trong đời, ví dụ một tai nạn nào đó mà người thân cùng đi với mình bị chết nhưng mình thoát chết, ta có thể có những câu hỏi qui lỗi về mình như: “Bữa đó nếu mình không rủ chị đi chơi thì chị đâu có chết” hoặc “Nếu hôm đó mình phản ứng nhanh một tí thì chị đâu có chết”. Cảm giác phạm tội có thể theo ta suốt đời, và hành động như một mũi gai thường xuyên châm chích trong tim. Rất khó mà vui vẻ và tích cực với một cảm giác như thế trong tâm.
Trong đời sống của chúng ta đã có những lời hứa ta hứa với một vài người, và những người đó đã chết trước khi ta có cơ hội thực hiện lời hứa. Những thất bại trong việc thực hiện lời hứa đó (mình không muốn dùng từ “thất hứa”) có thể làm ta buồn và ân hận nhiều năm.
Dù thật sự có lỗi hay không có lỗi, ta vẫn thường có cảm giác có lỗi. Ngoài cảm giác có tội, chúng ta còn có thêm cảm giác bất toàn và yếu đuối. Đây cũng là đầu mối của sự mất tự tin của người lớn. Thông thường trẻ em rất tự tin, và càng trẻ chúng ta càng nhiều tự tin. Khi bắt đầu lớn, chung đụng với đời, ta gặp hết thất bại này đến lỗi lầm kia. Mỗi lần như thế ta thấy mình yếu đuối và bất toàn. Nếu những cảm giác này cứ nằm ì ra đó, lâu ngày, nhiều thất bại và lầm lỗi nữa xảy ra, các cảm giác yếu đuối và bất toàn càng ngày càng chồng chất như núi, và đè tự tin của ta đến ngợp thở mà chết.

Trước khi biết tha thứ cho người, ta phải biết tha thứ cho chính mình. Các truyền thống tâm linh đều hiểu được đây là một điểm rất quan trọng cho đời sống tinh thần khỏe mạnh của ta, nên đều có câu giải đáp. Trong truyền thống Thiên chúa giáo thì “Nếu chúng ta thú tội, [Thượng đế], giữ lời hứa và công chính, sẽ tha lỗi cho ta và rửa ta khỏi mọi tội lỗi”. 1 John 1:9. Trong Phật giáo, khi ta làm xấu đương nhiên là sẽ mang đến nghiệp chướng xấu do nhân quả, nhưng nếu gìn giữ tâm Bồ Đề, tức là tâm yêu người, thì ta sẽ giác ngộ và xa lìa được các khổ đau do tội lỗi gây ra.
Dù là ngôn ngữ khác nhau và đôi khi có tính cách thần bí, vấn đề rất đơn giản. Ta phải có cách gạt sạch những lỗi lầm quá khứ khỏi quả tim mình để mình có thể “làm lại từ đầu” với một con tim toàn vẹn và tích cực. Bài học cho các tín đồ ở đây là: nếu Chúa và Phật tha lỗi cho mình, xóa sổ cho mình, thì chẳng có lý do gì chính mình cứ phải nắm sổ tội của mình hằng ngày.
Trên lý luận thực tế thì dù ta có lỗi hay không có lỗi, chuyện cũng đã xảy ra rồi, không quay ngược bánh xe thời gian để mà xóa đi được. Vậy thì, nằm đó ôm ấp nỗi đau cũng chẳng được gì, có tự đánh mình 100 năm nữa thì cũng chẳng làm được gì. Thôi thì, lỗi hay không lỗi, cũng cứ vui vẻ dẹp nó qua một bên để còn làm việc khác, để còn sống tích cực hơn.
Thay vì cứ ngồi ì ra đó với cảm giác tội lỗi ngập đầu, thì tốt hơn là ta cứ tha lỗi cho mình, rồi vui vẻ tích cực làm gì đó, ngay cả làm việc để sửa chữa những hư hỏng mà ta đã tạo ra. Nếu ta đã gây ra tai nạn chết người mẹ, thì hãy tìm cách làm việc hăng hái tích cực để có thể giúp đỡ các đứa con côi của bà ta thì hay hơn.

Tha lỗi, dù là Thượng đế tha lỗi cho ta hay chính ta tha lỗi cho ta, chỉ làm cho quả tim ta trong sạch và manh mẽ trở lại, nhưng không lấy đi trách nhiệm xã hội cho hành động của mình. Nếu ta ăn trộm và ta hối lỗi thật, Chúa có thể tha thứ, và ta có thể tha thứ cho ta, nhưng chẳng lẽ ta không chịu trả lại đồ trộm sao? Đó là trách nhiệm xã hội ta phải làm ở mức tối thiểu. Mức cao hơn có thể là những hình phạt xã hội nếu ta bị luật pháp truy tố. Và lỡ bị truy tố, thì cứ vui vẻ nhận hình phạt. Có vay thì có trả. Chẳng có lý do gì mà phải đau lòng. Tuy nhiên, nếu mức trách nhiệm xã hội tối thiểu (trả lại đồ trộm) mà ta không làm, thì ta cũng nên hỏi lại lòng mình là ta có thực sự hối lỗi không và Chúa có tha thứ cho ta không? Và trong trường hợp đó, liệu con tim của chính ta có chịu tha thứ cho ta không.
Đây không phải chỉ là bài học luân lý cho các ông già bà già trong nhà thờ và chùa, các bạn ạ. Chúng ta đang nói rằng chúng ta không thể tích cực được nếu các cảm giác tội lỗi và bất toàn cứ chồng chất trong ý thức và tiềm thức của ta ngày này qua tháng nọ. Lâu ngày, chúng sẽ quá nặng và đè tự tin của ta đến nghẹt thở mà chết. Đó là lý do tại sao người càng lớn thì càng ít tự tin hơn người trẻ. Muốn đống rác đó biến mất ta phải làm hai điều:
1. Dẹp bỏ quá khứ để có thể tự tha thứ mình.
2. Lãnh nhận trách nhiệm xã hội do lỗi lầm của mình gây ra.
Như vậy thì ta mới có thể vui vẻ tích cực để sống hăng hái được, dù đã lỡ phạm tội tày trời.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/

One Reply to “Tha lỗi chính mình”

  1. thuynguyen writes:Theo tôi ta fải đổi lại thứ tự hai điều cần làm:1. lãnh nhận trách nhiệm xã hội do lỗi lầm của mình gây ra.2. Dẹp bỏ quá khứ để có thể tự tha thứ mình.Cảm ơn tác giả rất nhiều về bài viết có ích này!….

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *