Một lầm lỗi lớn về suy tưởng chúng ta hay vấp phải mỗi khi thấy ai đó hăng say làm việc gì, là kết luận ngay: “Anh ấy rất tích cực”. Nhưng, một người rất hăng say chém giết, đó cũng là tích cực sao?
…
Thù hận cũng là ngọn lửa đam mê thúc đẩy con người hăng say hoạt động trong việc trả thù và đập đổ, như tình yêu thúc đẩy con người yêu thương và xây dựng. Lầm lỗi lớn của chúng ta là lầm lẫn năng lực với tích cực.
Cả tích cực lẫn tiêu cực, cả tình yêu lẫn thù hận, đều tạo ra năng lực. Cuộc đấu tranh giữa năng lực tích cực và năng lực tiêu cực là cái mà, trong mọi nền văn hoá của con người, chúng ta gọi là cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối. Nhưng, bạn đừng vội giơ tay sớm “Tôi phe thiện” (Biết rồi khổ lắm nói mãi). Nếu tự cho điểm, thì tất cả thế giới chỉ có một phe thôi, các bạn ạ. Mọi người chúng ta đều dõng dạc tuyên bố, rất thành thật: “Tôi đương nhiên là thuộc phe thiện”. Nhưng rất tiếc, sự thật là thế giới có biết bao nhiêu người gây bao đau khổ và phiền não hằng ngày. Mọi người đã thuộc về phe ta hết rồi, phe địch ở đâu ra vậy kìa?
Nếu ta biết được là ta “vô minh”, thì ta đâu còn “vô minh” nữa. Bản chất của “không ánh sáng” là làm cho chúng ta không thấy được gì, kể cả không thấy được chính mình. Văn hào Alexander Solzhenitsyn nói, “Ước chi chỉ có những người gian ác đâu đó quỷ quyệt làm những việc gian ác, và ta chỉ cần lặt họ ra khỏi đám chúng ta và tiêu diệt họ. Tiếc thay, lằn ranh phân chia thiện ác cắt ngang mỗi trái tim con người, và ai là người sẵn sàng tiêu diệt con tim của chính mình?”. Người nào vô tội, hãy ném viên đá đầu tiên!
Bởi vì thiện và ác đã có sẵn trong trái tim con người, đừng tưởng rằng khi ta hăng say làm gì đó tức là ta đang tích cực. Tích cực là tình yêu. Thù hận là tiêu cực. Hăng say hoạt động vì thù hận vẫn là tiêu cực, dù là hăng say tiêu cực. Hăng say chửi bới, hăng say đả phá, hăng say chỉ trích, hăng say đạp người ta xuống, đó là những hăng say tiêu cực, dù xem ra rất nóng, rất nhiều năng lực. Martin Luther King nói, “Hận thù khiến đời sống tê liệt, tình yêu giải phóng. Hận thù tung rối bời đời sống, tình yêu đem đến hài hòa. Hận thù phủ đen cuộc đời, tình yêu rọi sáng”.
Nhưng, nếu ta không là người đã hiểu và làm chủ được con tim của mình, ta sẽ không phân biệt được tình yêu và thù hận trong tim. Nếu có tên cướp đường đang cướp một thiếu nữ, và ta ra tay hào hiệp đánh hắn để cứu nàng, thì trong lòng ta đang có tình yêu hay thù hận? Nếu ta vì yêu nhóm nông dân bị một quan chức tham nhũng ức hiếp mà “tấn công” vị quan đó bằng mọi cách, thì đó là tình yêu hay thù hận?
Đây là câu hỏi hết sức chủ quan, và thực sự là chỉ có mình bạn hiểu được quả tim của bạn. Không ai có thể trả lời cho bạn cả. Bạn đang vì tình yêu hay thù hận trong lòng? Nếu bạn không chắc, thì mình chia sẻ với bạn một phương cách nhận biết giản dị. Nhưng cách nào đi nữa thì độ chính xác của nó tùy vào một điều kiện duy nhất: ta có thật sự thật sự thật sự thành thật với chính lòng ta không. Sai một ly đi một dặm. Chỉ cần ta có một thoáng thiếu thành thật với chính mình, mọi đo lường sẽ sai đi cả dặm.
Phương cách đó là: Hãy lắng nghe những câu chính ta nói. Các câu nói của bạn là nói về người mình yêu, hay nói về người mình ghét? “Chị bị như vậy cực quá, để em giúp chị một tay” hay “Tên này đại gian đại ác, tôi phải đánh nó một trận mới được”. Dĩ nhiên là một hai lần thì không thể quyết đoán được, nhưng nếu bạn lấy tổng số câu trong một ngày hay trong môt tuần (kể cả những câu nói thầm trong đầu) và so sánh, bạn sẽ có khái niệm khá rõ ràng là mình vì tình yêu (tích cực) hay vì thù hận (tiêu cực). Nếu bạn tính ra 50/50, thì bạn đứng ngay chính giữa. Người tích cực hạng thầy sẽ có tỉ số tình yêu/thù hận bằng 100/0.
Nếu bạn là người tích cực thực sự, tỉ số của bạn phải rất gần 100/0. Và bạn có thể làm được điều đó, vì Mahatma Gandhi nói, “Hãy ghét tội lỗi, nhưng yêu người lầm lỗi”.
Chúng ta lại rất hay ghét người lầm lỗi và yêu làm lỗi. Dĩ nhiên, đã không là thánh thì ai cũng lầm lỗi khi này khi khác. Nhưng tối thiểu là ý chí trong tâm tưởng, ta có ghét tội lỗi và yêu người lầm lỗi không?
Đây là chuyện tự nhiên trong bản tánh con người, chứ chẳng phải là gì phi thường hoặc không tưởng như nhiều người lầm tưởng. Bố mẹ ghét những điều sai con cái làm, nhưng vẫn luôn thương yêu con cái. Đó là bản tánh con người tự nhiên. Rất nhiều người trong chúng ta đã lạc khỏi bản tánh yêu thương của mình quá lâu, cho nên thường hay thù ghét người mình cho là lầm lỗi, trong khi mình vẫn cứ yêu làm lỗi đó. Ai hăng say đấu tố tham nhũng trong khi mình vẫn nhận tiền hay chi tiền dưới gầm bàn thường xuyên?
Lord Bryon, thi sĩ nước Anh, nói, “Thù hận là điên rồ của con tim”. Nhà Phật nói sân hận là một trong ba độc (tham, sân, si) làm cho người ta mất ánh sáng. Người thực sự tích cực không thể có thù hận; hành động tích cực không thể đặt trên căn bản thù hận. Đừng vội nhìn vào các hành động nóng bỏng của mình bên ngoài mà tưởng rằng mình tích cực. Người tích cực, với con tim tràn đầy yêu thương, đôi khi có thể chuyển xoay thế giới với chỉ một nụ cười và một con tim thanh lặng.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/