Chiến lược thành công

Nhiều người chúng ta có vấn đề này. Khi nào cũng thấy mình có đủ mọi nhược điểm, thiếu thốn, bất toàn, khi nào cũng phải cố gắng hết sức để cải tiến, và càng cố gắng thì càng thấy mình dở mình dốt, và càng tuyệt vọng.

Và nếu nói đây là mẫu người tiêu cực thì có gì đó bất ổn. Làm sao những người chiến đấu tận lực cả đời cho mình khá lên, cho xã hội khá lên, lại là tiêu cực được? Không có l‎ý.
Mẫu người này, tiếng Anh có một từ là “too demanding”, đòi hỏi quá đáng trên chính mình, và trên những người chung quanh mình. Đây là những người có tiềm năng lãnh đạo rất cao, nếu có “chiến lược phát triển” có lý hơn một tí (Mình cố tình dùng từ “chiến lược” vì chúng ta sắp vào phương cách nhìn một cách tổng thể về chính mình để phát triển mình theo một “chiến lược” hiệu quả nhất).
• Đầu tiên chúng ta phải xác định một tiền đề căn bản là: Cải tiến mình, làm cho mình khá hơn, luôn luôn là điều tốt, hay, và tích cực.
Nhưng “cải tiến mình” là cải tiến gì?

• Trước hết, có một mức tối thiểu để làm người, chúng ta không thể xuống thấp hơn — không giết người, không trộm cắp, không dối trá, không tà dâm, không say sưa. Ta nhận thấy, đây là các điều bắt đầu với chữ “không”, vì tự chúng là tiêu cực, là xấu, ta phải “nói không” với chúng. Đối với năm quy luật căn bản này thì mình phải tuân theo, vì xuống dưới mức đó là không chấp nhận được.
• Cao hơn mức này, thì có hàng triệu thứ chúng ta có thể tăng tiến hàng ngày — giỏi yêu người, giỏi ngăn nắp, giỏi toán, giỏi luận l‎ý, giỏi văn, giỏi truyền thông, giỏi tổ chức, giỏi quản l‎ý, giỏi…
Vâng, có “hàng triệu” thứ để chúng ta “có thể” tăng tiến hàng ngày. Nhưng hai từ mấu chốt ở đây là “hàng triệu” và “có thể”.
“Hàng triệu” tức là rất nhiều. Ta không thể ôm đồm hết cả triệu được. Đừng ôm đồm quá đáng.
“Có thể” là được phép, có khả năng, nhưng không bắt buộc. Mình muốn làm thì làm, không muốn thì thôi, chẳng thiên địa quỹ thần người vật nào ép mình cả.
Vấn đề của những nguời “đòi hỏi quá đáng” (too demanding) là ôm đồm hàng triệu điều, và cứ bắt mình “phải” giỏi, “phải” hoàn toàn, tất cả. Như vậy thì ta sẽ sống một cuộc đời rất nhiều đòi hỏi, nhiều stress, và nhiều tuyệt vọng về sự bất toàn của mình.
Và đây là “chiến lược” thua cuộc, vì ai trong chúng ta cũng thấy là muốn mình hoàn hảo trong cả triệu chuyện là việc không thể làm và, quan trọng hơn nữa, là không cần làm. Để làm chi, ngoài việc cho mình thêm stress?

• Mình tạm thời lấy một ví dụ về cạnh tranh thương mãi để minh họa thì các bạn sẽ thấy rõ hơn. Bây giờ bạn dự tính mở một tiệm phở. Có “hàng triệu” thứ bạn “có thể” cạnh tranh với các tiệm khác—tẩm cở lớn nhỏ, trang trí, địa điểm, máy móc, âm nhạc, đầu bếp, các món phở khác nhau, mùi vị ngon, tiếp viên, giá cả, các loại nước uống, “văn hóa” tiệm, v.v…
Đây là những điều bạn bắt buộc phải quan tâm khi mở tiệm. Nhưng chắc chắn là bạn không thể đứng đầu trong mọi thứ được—đã có những tiệm lớn, đã có những tiệm trang trí rất hay và rất tốn tiền, mấy địa điểm cực tốt bạn không đủ tiền để vào, v.v… Nói chung là nhìn vào điểm nào bạn cũng thấy có người hơn mình rồi. Cho nên nếu chiến lược gia của tiệm mà ngó vào các điểm yếu của tiệm thì đương nhiên là sẽ cố vấn: “Không được anh ơi. Cái gì mình cũng thua người ta. Làm không được đâu”. Như vậy là chưa đánh đã thua.
• Chiến lược đúng là không chú trọng vào cái yếu của mình (có quan tâm, nhưng không chú trọng, không tập trung tư tưởng và năng lực vào đó), nhưng tập trung năng lực vào một hay hai điểm mạnh nhất của mình mà thôi. Ví dụ: Giá rẻ nhất–em không chồng con, em không chi phí nhiều, em có thể hy sinh xuống giá rất rẻ, lấy số đông làm lời.
Hay, ví dụ khác, “văn hóa” đặc biệt—tiệm này có “văn hóa sinh viên”, tiếp viên chỉ toàn SV, đầu bếp cũng đang là SV, nhạc và trang trí kiểu SV, có cờ tướng và cây ghita cũ rích cho SV, có wifi để SV dùng laptop, không hút thụốc để nữ SV thoải mái, không đuổi khách để SV có thể la cà, SV có thể ăn ký sổ, v.v…
Thế thì cơ hội thành công rất cao, mặc dù xét ra thì trong rất nhiều điểm chi tiết tiệm vẫn thua các tiệm khác.
Chiến lược thành công là chiến lược tập trung năng lực vào việc khai thác một hai điểm mạnh của mình, chứ không tiêu tán năng lực vào việc cố vực một triệu điểm yếu của mình.

• Cuộc đời mình cũng vậy, mình có vài sức mạnh, cứ tập trung vào phát triển nó. Các điểm yếu, không sao. Đừng điểm nào quá yếu đến nỗi thành tàn tật là được rồi. Mình ghét toán, càng học càng tù mù, thì việc gì phải bổ đầu mình ra để học giải phương trình bậc hai? Có ai ở đời cần nó ngoài môt số rất ít các ngành nghề chuyên môn. Thay vì cứ tự chửi mắng mình là mình dốt toán, thì hãy vui mừng cám ơn thượng đế đã cho mình dốt toán để cho mình tài nấu ăn siêu hơn mức trung bình. Tập trung vào nấu ăn để thành cao thủ quốc gia về nấu ăn hay chủ một nhà hàng khét tiếng một ngày nào đó. Sống như vây vừa thoải mái, vừa vui, vừa nắm chắc thành công trong đời.
• “Tập trung năng lực vào một hay hai điểm mạnh nhất” đó là chiến lược sống thành công, và thương mãi thành công.
Cứ vui vẻ với hàng triêu cái yếu và chỉ một hai cái mạnh của mình. Tập trung năng lực vào một vài cái mạnh, đừng tiêu tán năng lực vào hàng triệu cái yếu.
Sống với chính mình cũng thế. Giúp học trò con cái phát triển cũng thế. Làm thương mãi cũng thế. Làm chính sách quốc gia để thành công trên thương trường và chính trường quốc tế cũng thế.
Chỉ có một loại chiến lược thành công: Chiến lược tập trung năng lực vào một hai điểm mạnh của mình.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *