Cụm từ “hướng đến giải pháp” là dịch từ chữ “solution-oriented”. Người hướng đến giải pháp là người luôn luôn nghĩ đến giải pháp. Vừa nghe xong một vấn đề gì là họ thường nói “Chà, làm sao để giải quyết nhỉ?”. Đây là loại người hoàn toàn khác với các ca sĩ chuyên hát “Chán quá, chỉ là một lũ ngu dốt bất tài!” Trong các mục tìm người ở Mỹ, chúng ta hay thấy từ “solution oriented” hay “result oriented” (hướng đến kết quả).
…
Người hướng đến giải pháp (solution-oriented person) dĩ nhiên là người có tâm tính rất tích cực, bởi vì người tiêu cực chỉ thích càu nhàu, chê trách cuộc đời. Người tiêu cực hay phàn nàn về các vấn đề cá nhân cũng như xã hội, vì vậy họ thường có ảo tưởng là mình sáng suốt, thấy vấn đề, là kẻ thức thời. Nhưng thực ra người tích cực thấy nhiều vấn đề hơn, vì người tích cực là chuyên viên giải quyết vấn đề – bước vào bất cứ nơi nào, họ chỉ cần liếc mắt qua là thấy đủ mọi loại vấn đề. Nhưng người ta thường có cảm tưởng là người tích cực không thấy vấn đề vì:
(1) Người tích cực thường không nhắc đến vấn đề nào mà họ không giải quyết được. Ví dụ: Thay vì “Trời mưa hoài, chán quá!” họ lại nghĩ, nếu không bảo ông Trời ngừng mưa được, thì đi tắm mưa hay làm thơ “Trời mưa nhớ em” còn có ích hơn.
(2) Khi người tích cực nhắc đến một vấn đề, người nghe thường chẳng nghe thấy vấn đề đâu cả mà chỉ nghe thấy một mục tiêu nhắm đến. Ví dụ: Thay vì “Giáo dục của ta thật là quá tồi” thì họ nói “Trong vòng 2 năm qua chúng ta đã đạt được những thành quả cải cách rất khá, năm nay cần phải cải tiến thêm các lãnh vực A, B, C này”.
Nếu bạn là người hướng đến giải pháp, đi đâu bạn cũng thấy vấn đề, và trong đầu bạn thường có một mớ câu hỏi và nhiều câu trả lời. Ví dụ: Ban đêm trong chung cư, một nhà giật cầu là mấy nhà bên cạnh ngũ không được, làm sao để sáng tạo một bồn cầu thanh lặng? Nếu được, bạn sẽ là thành triệu phú. Đến mấy nơi nhiều người mua vé, thiên hạ không chịu sắp hàng mà cứ chen lấn. Làm sao để có những tấm bảng ngộ nghĩnh và một mớ cột và dây di động để khuyến khích mọi người sắp hàng, rồi bán cho các chỗ này? Khúc phố này nhiều rác quá, làm sao khuyến khích các chủ tiệm ở đây có chương trình “Phố sạch” để họ làm ăn khá hơn?
Người hướng đến giải pháp thường có tư duy “Không-thể-làm-được chỉ có nghĩa là chưa tìm ra giải pháp”. Luôn luôn có một giải pháp tốt nào đó cho một vấn đề, có điều là ta thấy giải pháp đó chưa mà thôi. Thường thì giải pháp sẽ đến nếu ta cố gắng tìm kiếm, như người bị cọp đuổi, nhảy phăng qua hàng rào 1m5 như vận động viên Olympic, mà bình thường anh ta không thể nào qua được. Khi xưa Đường Minh Hoàng mơ đến thăm Hằng Nga nơi Nguyệt Điện và thức dậy viết vũ khúc Nghê Thường, nhưng ngày nay hẳn là Đường vương sẽ sững sốt khi nghe Armstrong nói rằng anh đã đặt chân lên mặt trăng thật và nơi đó chẳng có tiên nữ hay điện ngọc, mà chỉ toàn là bụi đất.
Dĩ nhiên muốn đến được với giải pháp thì trước hết ta phải thấy vấn đề. Nếu không thấy câu hỏi, đương nhiên là không thể thấy câu trả lời. Từ “vấn đề” cũng là một từ chịu ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Người thụ động thường không thấy vấn đề – rác một nhà nhưng chẳng thấy nhà dơ. Người tiêu cực đôi khi thấy vấn đề, nhưng bỏ mặc – ối, chúng nó không giữ vệ sinh, hơi đâu mà lo. Người hướng đến giải pháp hầu như luôn luôn thấy vấn đề và tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, có một loại vấn đề mà không ai có thể thấy, ngoại trừ những người hướng đến giải pháp. Đó là khi mọi người vẫn vui vẻ làm việc, chẳng ai thấy trở ngại phiền toái gì cả, nhưng người hướng đến giải pháp vẫn trầm tư suy nghĩ: Cách làm này thì cũng tạm được rồi, nhưng phải có cách làm nhanh hơn và hiệu quả hơn chứ? Đó là đầu óc luôn luôn muốn cải thiện, luôn luôn muốn làm cho mọi việc tốt đẹp hơn, luôn luôn nghĩ rằng: “Dù có khá cách mấy vẫn còn cách để khá hơn”. Đây là tư duy “Đời sống là một hành trình cải thiện không bao giờ có điểm cuối”.
Sau khi đã thấy vấn đề, việc tìm giải pháp chung quy chỉ nằm trong 3 câu hỏi:
– Thứ nhất, tôi làm được gì?
– Thứ hai, tôi đã nghiên cứu được gì. Nghiên cứu ngày nay thường là đọc sách và Internet.
– Thứ ba, tôi đã nói chuyện với ai rồi. Hỏi ý kiến những người có kiến thức về một vấn đề gì đó thường giúp mình thấy giải pháp dễ dàng hơn.
Tóm tắt là: tôi, sách vở tài liệu, và người khác. Việc còn lại chỉ là thử nghiệm, cố gắng và thời gian.
Khó khăn người say mê sáng tạo có thể gặp thường xuyên nhất là mình phải làm một mình, chẳng ai chịu làm chung cả. Nhiều người có thể cho là mình hơi mát mát và người nhà thì cũng có thể rất bực bội việc mình “phí công, phá tiền cho mấy chuyện tào lao”. Vấn đề này chắc là phải cười trừ thôi, chứ biết sao bây giờ? Nhưng không sao, thái độ hăng say một cách “mát mát” của bạn chắc cũng làm cho bà con buồn cười thôi, chứ không ai nỡ khó khăn với mình.
Ngoài ra còn một vấn đề khác quan trọng hơn, mà các vị đàn ông cần biết. Mặc dù hướng đến giải pháp là tư duy cần thiết trong mọi nơi mọi lúc, nhưng thông thường ta không nên xung phong tặng người ta giải pháp khi người ta không hỏi, vì phản ứng thường xuyên sẽ là: “Ông này kỳ cục, có ai hỏi đâu mà dạy”. Và nếu bạn đã đọc cuốn “Men are from Mars, Women are from Venus” của John Gray, bạn biết là phụ nữ và đàn ông tâm tính rất khác nhau. Khi nàng tâm sự cho bạn nghe về các vấn đề nàng đang gặp, nàng chỉ cần có người nghe tâm sự. Cứ ngồi nghe cho tốt, nghe chăm chú, lặng yên, gật đầu, ừ, ừ, chia sẻ, đừng dại dột xung phong giải pháp, trừ khi nàng hỏi rõ ràng. Và ngay cả khi đó, cũng đừng quá hăng say giảng thuyết tràng giang đại hải, nói vài câu thôi. Phụ nữ tâm sự là để được lắng nghe chứ không phải để tìm cố vấn. Làm đàn ông, nghe vấn đề mà không được mở miệng nói đến giải pháp thì rất là ấm ức trong lòng. Nhưng nếu bạn không nghe mình, bị xì-nẹt thì đừng ngạc nhiên.
Tóm lại, hướng đến giải pháp không phải là một phương thức suy tư, mà là tâm tính của ta. Ta có tính hướng đến giải pháp, đi đâu cũng thấy vấn đề và cũng muốn tìm ra giải pháp. Đây là loại tâm tính đến một cách tự nhiên với người có tư duy tích cực. Một trăm phần trăm những người thành công lớn trong xã hội là người hướng đến giải pháp. Họ không những là thấy những vấn đề thông thường, mà còn có khả năng thấy vấn đề khi không ai thấy. Đối với họ, vấn đề không phải là cái gì hư phải sửa, mà là cái gì tốt có thể làm tốt hơn. Và họ theo đuổi giải pháp. Đến khi họ làm được, thì đương nhiên họ là người duy nhất có được giải pháp trong tay.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/
Since i love u i wish u all the best!