“Cơ hội” là hai chữ quan trọng nhất trong kiến trúc xã hội. Tất cả mọi người trên thế giới đều muốn có một xã hội bình đẳng, dù là ta nói đến triết lý nào hay lý thuyết chính trị nào. Nhưng nếu xem kỹ thì nguời 75 kg phải mạnh hơn người 40 kg, người giỏi toán phải khác người dốt toán, người siêng năng thì phải khác người lười biếng. Làm thế nào ta có thể có một xã hội bình đẳng với nhiều khác biệt cá nhân như thế? Thưa, ta dùng khái niệm “cơ hội”. Một xã hội bình đẳng là một xã hội cho mọi người một cơ hội đồng đều để thăng tiến. Còn việc sử dụng cơ hội đó hay không là quyền của người đó.
…
“Bình đẳng cơ hội” (equal opportunity) là khái niệm nền tảng nhất, trên đó chúng ta có thể một xây một xã hội tốt đẹp của chúng ta. Nhưng bây giờ, ta hãy tạm rời xa các khái niệm lớn lao về xã hội chính trị học, để đưa “bình đẳng cơ hội” về với chính mình, với con người cá nhân của mình. Làm sao mỗi người chúng ta có thể tận dụng tối đa khái niệm bình đẳng cơ hội này để giúp ích chính mình?
Chúng ta hay dùng từ “tìm kiếm cơ hội” để diễn tả cách ta có được cơ hội. Điều này đúng trên mức “thấy được” (visible). Nhưng ở mức độ “không thấy được” (invisible) thì cơ hội tự tìm đến với ta nhiều hơn là ta đi tìm, nếu không đến tận tay thì cũng đứng thường xuyên mấp mé ngoài cổng. Nhưng, điều đó chỉ có thể xảy ra nếu ta biết cách thu hút cơ hội, để cơ hội chạy theo ta. Đó cũng là điều mà ta gọi là “Tự tạo cơ hội”.
Cơ hội thường đi theo mình nếu mình có 3 điều: (1) tài, (2) bạn và (3) danh tiếng. Ấy chết, các bạn đừng có vội: “Tưởng gì chứ điều đó thì em biết rồi. Chỉ có một nỗi là em không có tài, ít có bạn, và chẳng có tiếng”. Không sao, ta sẽ tìm cách tạo ra 3 điều đó.
1. Tài: Chữ tài này mình dùng vắn tắt thôi, chứ nghĩa nó sâu và rộng hơn. Tài ở đây có nghĩa là (a) mình biết làm một việc gì đó, (b) mình làm nó rất hay, và (c) mình đáng tin cậy trong việc đó.
Ví dụ: Bạn biết đổ bánh xèo rất ngon, ai ăn cũng phải mê đến nỗi ăn xong là ôm bụng rên vì ăn quá tải. Và thỉnh thoảng có người có lễ tiệc đặt bạn làm bánh xèo tại nhà họ, làm và ăn ngay trong buổi tiệc, thì bạn luôn luôn sẵn sàng cho một buổi tiệc tốt. Không có chuyện đến giờ chót chạy đến xin lỗi: “Chị ơi em quên mất là ngày hôm đó em phải dự đám cưới của con nhỏ cháu”. Hmm… nếu đã hứa làm thì làm. Bỏ đi đám cưới và thực hiện lời hứa. (Nếu đã lỡ hứa với cả hai, thì… bạn có vấn đề lớn).
Trong chữ tài, chữ “đáng tin cậy” chiếm hết 100%. Nó vừa có nghĩa là làm giỏi và làm đúng lời hứa.
• Nhưng nếu mình chẳng có tài gì hết thì sao? Thì đi theo những người biết nghề để học nghề. Cách xin học dễ nhất là xung phong giúp người ta một tay mà không cần tiền công, chỉ để học nghề. Cách này thì bảo đảm là cách học nhanh nhất, vì người được mình giúp cũng rất cố để “trả nợ” cho mình.
Lúc mình đang học trong trường luật ở Mỹ, một ngày nọ đứng đợi xe bus bên cạnh một ông già, nói chuyện vẩn vơ với ông. Mình hỏi ông làm việc ở đâu. Ông ấy nói: “Tôi là chánh án tòa án ở đây”. Mình nói: “Ồ hay quá, tôi đang học luật. Ông có việc làm cho tôi không?”. Ông nói: “Việc thì luôn luôn có, nhưng tôi không có tiền. Chính phủ không cho tôi ngân sách để thuê sinh viên luật”. Mình nói: “Tôi không cần tiền. Tôi chỉ cần làm việc cho ông để học nghề”. Thế là mình có được loại kinh nghiệm ít sinh viên luật có, học cách làm quyết định các vụ kiện cho ông chánh án và được thêm vài hàng rất hấp dẫn trong resume của một sinh viên mới ra trường.
* Trong thế giới chính trị và kinh doanh có một tài rất hiếm và rất có giá trị mà chẳng cần tài năng gì nhiều cả, đó là tài làm phụ tá. Người nào có được khả năng nghe đến đâu hiểu đến đó, chưa chắc hiểu thì hỏi lại cả hai ba chục lần cho đến khi hiểu, và mình làm bất cứ điều gì sếp của mình cũng biết, thì người đó là phụ tá vô giá, bởi vì sếp có thể giao việc cho mình và đi ngủ mà không có ác mộng. Đó là người mà sếp có thể gọi là my alter-ego (con người kia của tôi).
2. Bạn: Càng có nhiều bạn thì càng có nhiều người quảng cáo không công dùm mình. Quảng cáo trên TV chẳng ăn thua gì so với quảng cáo miệng không công. Nhà sản xuất tốn bao nhiêu tiền quảng cáo thì chẳng mấy người tin và để ý, nhưng nếu bạn mình nói cho mình biết mới khám phá ra tiệm này bán áo quần rất đẹp và rẻ, thì chắc là cuối tuần này mình sẽ ghé vào ngay.
Nhưng dĩ nhiên là bạn mình chỉ quảng cáo cho mình nếu bạn mình tin vào tài của mình, tức là tin rằng mình làm tốt và đáng tin cậy. Nếu bao nhiêu năm quen biết nhau mà lời nói của mình không đáng tin cậy, nói điều gì ra các bạn cũng nghĩ: “Bà này mà nói 10 thì may ra được 3 là thật và đúng” thì hỏng bét. Cho nên cách sống hàng ngày làm cho bạn bè chung quanh phục, tức là cho rằng mình đáng tin cậy, là cách hay nhất để có một mạng lưới thân quen quảng cáo không công trường kỳ.
3. Danh tiếng: Danh tiếng phần lớn là do bạn bè kháo nhau. Một phần nữa là do trưng bày sản phẩm. Dĩ nhiên cách dễ nhất để trưng bày là trưng bày mà không tính công trưng bày. Ví dụ: Nếu trong trường có liên hoan, xung phong đổ bánh xèo cho trường không công (trường chỉ tốn tiền mua thực phẩm gia vị), đó là cách trưng bày sản phẩm cho cả mấy trăm hay mấy nghìn người.
Víết bài gửi cho báo, nhất là các vấn đề báo không thể có được. Ví dụ: Viết về di tích lịch sử nhỏ nào đó nơi mình đang ở, thì tổng biên tập báo chắc là cũng mê, vì chính anh ta cũng chưa hề nghe đến. Những điều nhỏ ở địa phương của mình chính là lợi thế của mình. Ngày xưa thì ít có cơ hội, ngày nay ta có đủ loại báo và websites. Có nhiều websites rất có uy tín, nếu bài của mình được post lên đó là mình sẽ có thêm uy tín và một vài hàng trong resume.
• Nếu chúng ta chủ động xây dựng tài năng, bè bạn, và danh tiếng như thế, thì cơ hội luôn luôn lấp ló ngoài cửa nhà. Nhiều khi chưa kịp xin việc đã có người mời đi làm.
Thế giới ngày nay có hai điều lợi cho cơ hội: Thứ nhất, tự do kinh doanh. Thứ hai, Internet. Nếu bạn biết tận dụng hai điều này để gia tăng cơ hội cho mình, thì bạn có thể làm được rất nhiều việc, ở bất cứ lãnh vực nào —xuất bản một quyển sách hay mở tiệm bán bánh xèo.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/