Lối mòn tư duy

Có một người đi qua chỗ những con voi. Chợt người ấy dừng lại, với vẻ bối rối vì những con vật khổng lồ ấy đang bị một sợi dây buộc vào chân chúng. Hiển nhiên là những chú voi to lớn này, bất cứ lúc nào, cũng có thể phá đứt sợi dây buộc chúng, nhưng vì sao đó chúng lại không làm thế?

Người đó thấy một người quản tượng gần bên, bèn hỏi tại sao những con vật đẹp đẽ, hoành tráng như thế chỉ đứng yên mà không gắng bỏ chạy.
Người quản tượng đáp: “À, khi chúng còn rất nhỏ, chúng tôi dùng chính sợi dây với kích cỡ như thế này buộc vào chân chúng, và khi những con voi còn bé, dây như thế đã đủ để giữ chúng. Khi voi lớn, chúng đã quen bị câu thúc bởi sợi dây rồi và tin rằng không thể bứt phá để trốn thoát”.
Những con voi này có thể phá đứt xích xiềng và tự do bất cứ lúc nào, nhưng vì đã quen “tin” rằng chúng không thể thoát được nên chúng thản nhiên chấp nhận số phận như thế. Con vật to lớn khổng lồ ấy đã tự giới hạn sức mạnh lớn lao hiện tại của nó chỉ vì sự trói buộc của quá khứ.
Giống như những con voi, có bao nhiêu người trong chúng ta luôn bám chặt vào niềm tin rằng mình không thể làm được một việc gì đó, chỉ vì một lần thất bại trước đây?
Có bao nhiêu người trong chúng ta không chịu thử một cái mới và gắng làm một việc gì mang tính thử thách bởi vì cách tư duy ấy của chúng ta? Nỗ lực của chúng ta có thể không thành công, nhưng xin bạn đừng bao giờ không cố thử.
Vậy chúng ta nên làm gì để phá bỏ lối mòn tư duy ấy?

Trước hết chúng ta phải là những người xóa bỏ rào cản, phá vỡ những bức tường chắn mất tầm nhìn, và từ bỏ những lối mòn tư duy chúng ta đã tạo ra và quen thuộc trong quá khứ. Ngày hôm qua đã trôi đi theo dòng chảy bất tận của cuộc sống vốn không ngừng biến đổi này. Luôn có những ngày mới, những cơ hội mới, mở ra cho chúng ta biết bao điều mới mẻ. Thế thì tại sao chúng ta cứ mãi trói buộc và tự câu thúc chúng ta với tư duy kiểu cũ của quá khứ?
Cái tôi hôm qua có thể non nớt, bé nhỏ, yếu ớt, dại khờ, sai lầm, kém cỏi… Nhưng tôi của hôm nay đã lớn mạnh, đã trưởng thành, chín chắn hơn, khôn ngoan, hiểu biết hơn, đã biết học hỏi, rút kinh nghiệm từ sai lầm và thất bại của hôm qua.
Như thế với tư duy mới, sáng tạo hơn, tại sao không thử thách năng lực của mình một cách tích cực hơn ở một lĩnh vực mới, hay một công việc đòi hỏi cao hơn, có tính thách đố hơn, và nhiều trách nhiệm hơn? Nếu không phải là việc gì to lớn hơn, chí ít ta cũng có thể thử làm lại cái mà ta đã từng thất bại? Và luôn nhớ câu ngạn ngữ “Thất bại là mẹ thành công”. Rồi bạn sẽ thành công sau một hay vài lần thử thách.
Hãy bắt đầu từ mỗi chúng ta, và xin hãy gửi thông điệp này đến những người bạn gặp gỡ, tiếp xúc: “Hãy phá bỏ lối mòn tư duy trói buộc sức mạnh của chính chúng ta, những người không bé nhỏ và không sợ thất bại”.
Huỳnh Huệ
http://dotchuoinon.com/

2 Replies to “Lối mòn tư duy”

  1. NLT writes:Câu chuyện này cũng giống như truyện ngụ ngôn: “đại bàng và gà”.Phá vỡ lối mòn tư duy để có bước đột phá. Sở dĩ Việt Nam vẫn phát triển chậm, không phải vì nghèo khoáng sản, trong vùng thiên tai, mà bởi họ luôn ngại tư duy sáng tạo ra cái mới, mà cứ bám theo cái người khác đã làm, cộng với cái tôi cá nhân quá cao, họ từ chối những ý kiến phản biện, thiếu quyết đoán trong việc chọn lựa cuộc sống và chỉ chăm lo lợi ích cá nhân, đó mới là nguyên nhân chủ yếu đúng không bạn.

  2. Chào bạn NLT,Việc nước chúng ta còn phát triển chậm với những lý do bạn kể trên là điều không chối cãi, nhưng để nói đó là những nguyên nhân chủ yếu thì tôi nghĩ chúng ta cần xem xét lại. Nước VN ta giàu khoáng sản, điều này ai cũng biết, và việc sử dụng nó để làm giàu đất nước có hiệu quả hay không khi có những thế lực thù địch hay những “nhóm lợi ích” cả bên trong lẫn bên ngoài tác động để làm giàu cho chính họ? Chúng ta khai thác không có tổ chức, sử dụng không hiệu quả hay bán với giá rẻ mạt có phải là do những bàn tay đen ấy điều khiển từ bên trên?Hằng năm nước ta hứng chịu nhiều vụ thiên tai, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc hàng năm cũng chịu ảnh hưởng của nhiều cuộc thiên tai như chúng ta vậy. Xét về quy mô và thiệt hại, tôi nghĩ cũng không thua kém và có khi còn lớn hơn thiệt hại của chúng ta nhiều lần. Nhưng không vì thế mà kìm hãm sự phát triển của quốc gia họ. Điều đáng nói ở đây, chúng ta biết hàng năm sẽ có thiên tai, lũ lụt vào tháng đó, mùa đó. Vậy sao công tác phòng tránh và di tản người dân cũng như ổn định dân cư, khôi phục sản xuất sau đó lại không hiệu quả? Tiêu cực là do thiên nhiên, ông trời hay do một ai khác?Người VN thông minh, sáng dạ, có con mắt nghệ thuật và bản thân tôi cũng tin vào điều đó qua những giải thưởng và cuộc thi quốc tế nổi tiếng. Chúng ta nói nước VN không phát triển vì con người VN thì có phần vơ đũa cả nắm chăng? Tôi nghĩ một quốc gia thì cũng có người có khả năng này, khả năng kia. Cuộc sống không công bằng với tất cả chúng ta, duy chỉ có cơ hội là bình đẳng với tất cả mọi người. Nếu có cơ hội và chúng ta biết nắm bắt cơ hội thì thành công đến với chúng ta là điều dễ hiểu. Cho nên nói nước VN chưa phát triển vì con người VN chưa có cơ hội cống hiến và được công nhận có lẽ sẽ hợp lý hơn.Những điều tôi nói ở trên chỉ là suy nghĩ cá nhân của mình, nên xung đột về ý kiến là điều không tránh khỏi. Vài dòng chia sẻ cùng bạn NLT và hi vọng nhận góp ý từ bạn, cũng như những người quan tâm khác.Thân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *