Làm sao để nhận chữ “không”?

Có một nỗi sợ hãi đè nặng trên nhiều người trong chúng ta từng phút, từng ngày, cả đời, dù là thường khi họ không nghĩ đến và biết đến. Đó là nỗi sợ bị chối bỏ, sợ không đạt được cái đang nhắm đến. Nói chung là sợ chữ “Không”: không chấp nhận, không đồng ý, không được, không thành…

Rất nhiều quyết định ta làm trong ngày vì sợ chữ “không”, mà chính ta cũng không nghĩ đến. Đọc thông tin về học bổng, có cảm tưởng “không tới lượt mình”, bèn đọc qua mục khác. Đọc thông tin về tuyển dụng công việc, cũng thế. Đó là chưa nói đến không đi tìm việc và không gửi thư xin việc đi đâu cả, vì “mình không có liên hệ lớn thì vô sao được”. Tối ngày làm thơ “đời tôi cô đơn”, vì “yêu nhiều, nhưng làm quen thì chẳng dám bao nhiêu”. Bao nhiêu năm mơ tưởng làm chủ công ty của mình, nhưng vẫn cứ mơ hoài vì “chưa đủ kinh nghiệm làm ăn”. Và bao nhiêu trẻ em bỏ học vì tin rằng mình không đủ sức để học hành gì cả?
Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã bị chữ “không” cản trở rất rất rất nhiều lần trong đời. Nhưng tại sao ta lại sợ “hắn” đến thế? Mời cô ấy đi ăn thì cùng lắm là cô ấy nói không, có động đất đâu? Gởi thư tìm việc thì cùng lắm là mất một lá thư và tí tiền tem, mắc gì mà sợ? Nhưng sự thực là chữ “không” làm rất nhiều người “đông lạnh”. Sở dĩ như vậy là vì chữ “không” có ma lực làm ta phải đối diện chính mình, đối diện giới hạn của mình, đối diện cái bất toàn của mình, cái yếu đuối của mình.
Nhưng đây là điểm cốt yếu. Dĩ nhiên là con người thì giới hạn, bất toàn, và yếu đuối. Superman chỉ có trong tiểu thuyết và xi nê. Con người tự nhiên không cao quá 2 thước, không nặng quá 100 kg, không sống quá 100 trăm, không nhảy cao quá 3 thước, sống không thể không bệnh. Ta không phiền hà gì với những giới hạn này cả, thì mắc mớ gì ta phải ngại tìm việc không được, mời người không đi, nói người không nghe? Cuộc đời của ta, từ đầu đến cuối đương nhiên là bao vây bởi chữ “không” tự nhiên như cây cỏ. “Không” thì rất dễ, chỉ cần không ăn, không học, không làm, thì đương nhiên là mình sẽ có tất cả những cái không khác của thế giới. “Có” thì mới đáng nói.

Hơn nữa, những chữ “không” mà ta nhận được hàng ngày, thường chẳng ăn nhập gì đến giá trị của ta cả. Xin việc không được, không phải là mình yếu, nhưng có thể là vì công việc đó đã vào tay người khác trước khi mình nộp đơn, hay tài năng của mình không thích hợp với việc đó bằng các việc khác. Bán mà người không mua, không hẳn là mình không biết bán, mà vì người ta chưa cần cái mình đang bán. Mời người đi không được, có thể vì người ta đã có ai đó trước rồi. Không có lý do gì mà mỗi khi nhận được chữ “không”, ta cứ phải đập đầu vào tường: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi”.
Lại nữa, ở đời đương nhiên là ta gặp “không” nhiều hơn “có”, vì thường là có 100 lá đơn xin việc cho chỉ một việc, 10 công ty mới thì khoảng 2 công ty thành công, 10 người khách thì khoảng 2 người mua hàng, 5 cây si thì chỉ một cây được chọn. Cứ theo xác suất mà tính thì ai trong chúng ta cũng gặp “không” nhiều hơn “có”. Vì vậy, thay vì cứ ngồi đó mà suy nghĩ nhảm nhí về “cái dở của tôi”, ta cần phải biết suy tính logic và khoa học hơn. Nếu trung bình có khoảng 100 lá đơn xin việc cho 1 việc, thì tôi cứ gởi 100 lá đơn ra ngoài, như vậy gần như chắc chắn là sẽ có được một việc làm. Nếu tôi chuẩn bị nghiên cứu kỹ càng trong khi viết đơn, thì có thể tăng xác suất thành công lên gấp 3, tức là nếu gởi 100 lá đơn đi, có thể được 3 nơi mời đi làm. Nếu tôi còn vận dụng các đường dây quen biết để tìm việc, có thể tăng xác suất lên gấp đôi nữa, tức là khoảng 15 lá đơn thì được một việc.
Hơn nữa, ta còn phải biết nhìn chữ “không” một cách tích cực theo xác suất: Mỗi chữ “không” là một bước tiến gần đến “có”. Sáng nay đã 3 bà khách không mua gì rồi, cùng lắm là một hai bà “không” nữa thì nhất định phải đến bà “có”. Đã 20 lá thư tìm việc rồi, không được gì, cùng lắm là 10 lá nữa thì cũng phải được việc gì đó. “Có” là quán trọ để ăn, ngủ và nghĩ ngơi phía trước; “không” là những bước đi hiện thời; không thể đến được quán “có” nếu không có những bước “không”. Cho nên, ta phải biết cách đếm chữ “không” một cách tích cực. Một không, hai không… mười không… mười lăm không… Hmm, vậy thì “có” cũng gần lắm rồi.

Ngoài ra, mỗi lần được một chữ “không” ta lại học thêm một tí kinh nghiệm. Sau 15 lá đơn xin việc không kết quả, ta đã học thêm được rất nhiều kinh nghiệm tìm việc, để nâng xác suất từ mức trung bình 1/100 thành mức rất cao 1/10. Nếu vì lý do may mắn nào đó mà ta đã được công việc ngay từ lá đơn đầu tiên (như là nộp đơn vào công ty do mẹ làm chủ), ta đã không thể học được một tí kinh nghiệm tìm việc nào. Mà kinh nghiệm chính là vốn liếng không bao giờ mất, không bao giờ hao mòn. Bạn không thể nói trước được là trong tương lai, một kinh nghiệm nhỏ nào đó mình có (như là kinh nghiệm làm tiếp viên nhà hàng) lại có thể giúp mình trong một việc lớn nào đó (như là được mời hùn vốn mở một nhà hàng lớn).
Vì vậy, những người bị chữ “không” làm đông lạnh, thật rất đáng tội nghiệp. Nguyên do chỉ vì họ không hiểu được tính xác suất của đời sống và không hiểu được ý nghĩa thực sự của “không” là một bước tiến về cái “có”. Cuộc đời họ trở thành nghèo nàn và thụ động một cách đáng thương. Cả một thế giới rất rộng lớn, rất nhiều cơ hội, rất nhiều thử thách ngoài kia, các bạn ạ. Ta chỉ cần mở cửa bước ra đường, dấn thân vào đời một tí là sẽ khám phá được bao nhiêu điều hay đẹp và bao nhiêu người hay đẹp.

Sau cùng, mình muốn để lại với các bạn một câu hỏi. Dĩ nhiên là ta biết nói với ta.
“Không” là một bước đến gần “có”. Nhưng nếu một người bạn đang cố đẩy một công việc gì mà cứ bị hỏng. Ta nói: “Hay lắm. Cố đi. Làm hoài thì cũng phải được. Mình rất phục tính kiên trì của bạn”, hay là ta thầm nói: “Chẳng biết gì hết mà cũng đòi làm”. Và khi trả lời câu này, bạn nên nghĩ đến việc làm thế nào để giúp những người xung mình mình luôn năng động và tích cực.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *