Khi nào ta cần tư duy tích cực nhất?

Ngày nào ta cũng cần năng lực để sống. Chỉ sau khi chào thế giới good bye, hết thở, thì ta mới không cần năng lực, phải không các bạn? Nhưng dù là ta cần năng lực để sống hàng ngày, thì lúc cần năng lực nhiều nhất là lúc đi đang ngang cánh đồng xanh tươi mát mẻ bỗng nhiên gặp một Ông Ba Mươi ngồi giữa đường, mặt mày hớn hở chờ bữa ăn tối bò đến miệng, vẫy đuôi liếm mép nhìn mình, cười mỉm chi. Hoặc khi cần năng lực nhất là khi bị cúm gà tấn công, cơ thể cần tất cả nội lực để có thể đứng dậy đuổi gà đuổi vịt.

Tư duy tích cực cũng vậy, ngày nào ta cũng cần để sống, nhưng khi cần tư duy tích cực nhất là khi ta bị tấn công bởi thất bại, thất tình, thất trận, thất thủ, thất cơ, thất ý, thất lạc, thất tiết, thất thân, thất nghiệp, thất thế, và ta sợ hãi đến thất sắc, thất thanh, chới với thất kinh hồn vía, cuối cùng là thất vọng và thất chí. Lúc mà ta gặp khủng hoảng chính là lúc ta cần tư duy tích cực nhiều nhất để đương cự.

Nhưng, khi gặp khủng hoảng thì ta lại hay suy tư rất tiêu cực! Mới bị nàng cho gài số de là bắt đầu biếng ăn biếng ngủ. Bia bình thường thì đắng, lúc này ngọt như nước đá chanh đường. Mới bỏ game online được 6 tháng, lúc này lân la làm bạn lại với ông chủ tiệm internet kế bên. Phụ nữ thì bình thường thấy ai cũng dễ thương, lúc này mới “ngộ” được “chân l‎ý” Trụ Vương mất nước vì Đắc Kỷ, U Vương mất nước vì Bao Tự, và nhân loại (kể cả tui) thống khổ vì Eva. Cuộc đời bình thường thì không màu hồng cũng màu xanh, lúc này cứ tối mò mò như đêm ba mươi. Và quan trọng nhất là, cả cơ thể lẫn tinh thần của ta như bị đè bẹp dưới ngọn Ngũ Hành Sơn vĩ đại, không cựa quậy đằng nào được và cũng không buồn cựa quậy. Thế giới chung quanh ta như đang vỡ ra từng mảnh. Và tư duy tích cực? Dẹp qua một bên đi! Hóa ra từ trước đến nay mình quá ngây thơ, không biết được thực tế của cuộc đời.
Khi chúng ta bị khủng hoảng nào đó, như bị truy tố vì ai cáo buộc gì đó hoặc bị mất việc một cách bất công chẳng hạn, chúng ta luôn luôn bị 2 mũi dùi tấn công cùng lúc: Mũi thứ nhất là chính khủng hoảng đó, và mũi thứ hai tấn công trực tiếp vào tư duy tích cực của ta. Đây là chiến lược tấn công rất tinh vi, đồng loạt tấn công phòng tuyến và hậu cần. Ta phải hiểu rõ được các cuộc tấn công này để có thể phòng vệ hữu hiệu.
Vì vậy, khi gặp khủng hoảng và đầu óc ta bắt đầu suy nghĩ tiêu cực, thất vọng, tối tăm, mất lòng tin, điều đầu tiên ta phải làm là tự nhắc mình: “Ồ, nhà kho tư duy tích cực của mình đang bị tấn công, và mình đang bắt đầu suy tư tiêu cực. Phải trấn tĩnh lại và dù là mình có phải ra pháp trường ngày mai thì hôm nay mình vẫn phải suy tư tích cực”.

Đây là cuộc chiến đầu tiên và quan trọng nhất ta phải đương cự khi gặp khủng hoảng. Bảo vệ hậu cần, bảo vệ kho tư duy tích cực, bảo vệ đầu óc tư duy tích cực. Nếu thua trận này là ta thua toàn bộ cuộc chiến vì sẽ không còn vũ khí phòng thủ.
Vì vậy khi gặp khủng hoảng, việc đầu tiên phải làm không phải là giải quyết khủng hoảng đó. Việc đầu tiên phải làm là phải chắc chắn rằng ta vẫn tư duy tích cực, vẫn bình tĩnh, vẫn yêu đời, vẫn tin vào ngày mai trời lại sáng, dù ngày mai đó có thể còn rất lâu và mình cũng không biết là đến bao giờ.
Điều này rất quan trọng trên phương diện chiến lược, vì nó cho chúng ta hai điều lợi. Thứ nhất, nó cho ta năng lực tích cực để đương cự với khủng hoảng. Thứ hai, nó cho ta sáng suốt để giải quyết khủng hoảng, bởi vì người bình tĩnh và yêu đời có thể thấy những cách giải quyết khủng hoảng rất hiệu quả, mà người quýnh quáng chán đời không thể thấy.

Nhưng làm thế nào ta có thể duy trì được tư duy tích cực giữa cơn khủng hoảng như vậy?
1. Trước hết, chậm mọi thứ xuống (slow everything down). Khủng khoảng có khuynh hướng làm mình quýnh quáng hay nóng giận, và mình có khuynh hướng làm đủ mọi thứ chuyện ngay lập tức. Vậy thì, chuyện gì bắt buộc phải làm ngay thì làm. Chuyện gì không cần phải làm ngay thì để đó, đừng làm ngay.
Đi thì bước chậm lại. Lái xe thì lái chậm lại. Ăn thì ăn chậm lại. Chậm lại và để ‎ý việc mình đang làm một tí, ăn thì để ý đến món ăn và cách ăn của mình, đi thì để ý đến cách đi và vận tốc đi của mình (Đây chính là “chánh niệm” trong thiền học. Công phu này làm cho mình giữ bình tĩnh rất tốt).
2. Làm những điều mà, theo kinh nghiệm của bạn, giúp bạn giữ được tư duy tích cực: tập thể thao, nghe nhạc, đi bộ, đọc các bài viết tư duy tích cực, thiền, cầu nguyện…
3. Tránh những thứ tăng stress như rượu, nhiều thuốc lá, nhiều cà phê, thiếu ăn, mất ngủ… Thuốc ngủ thường tăng stress hơn là giảm stress. Theo kinh nghiệm của mình thì một tí rượu vang (không phải là một lít ) giúp ta dễ đi ngủ và tốt cho sức khỏe. Người hút thuốc đôi khi cần hút thuốc để lấy trầm tĩnh, nhưng nếu hút quá nhiều nicotine thì mình sẽ bị tăng stress. Cà phê cũng vậy.
4. Nhớ rằng trong tất cả mọi khủng hoảng đều có bàn tay sắp xếp của một nàng tiên rất đẹp – Thời Gian. Trong khi tất cả mọi người loay hoay đủ thứ chuyện với khủng hoảng đó, thì Thời Gian cũng lặng lẽ làm công việc của mình mà không ai hay biết. Nếu bạn đủ bình tĩnh và tích cực để chỉ làm những việc tối cần thiết, còn các việc khác thì chờ xem Thời Gian sẽ đưa mình đến đâu, bạn sẽ tính toán chính xác hơn rất nhiều. Thường khi chỉ nhờ chậm lại mà ta thấy được bước đi của Thời Gian, và ta tính bước đi của ta theo chân Nàng. Cách tính đó rất chắc chắn, vì ta tính toán với cái biết, thay vì quýnh quáng quyết định quá sớm với những cái không biết.
5. Nếu bạn là người đã vững nội tâm thì có thể là bạn chẳng thấy khủng hoảng đâu cả. Nếu bạn là dân Hà Lội, bao nhiêu năm mới phải lội một lần, thì bạn có thể qu‎ýnh vì lội. Dân miền Trung, mỗi năm bão lụt một lần, thì khi bão đến thái độ mọi người là: “Rồi sao? Có gì lạ đâu?”
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *