Yếu tố “không biết” trong đời sống

Ta thường hay sợ khi đi qua bóng tối, nhất là nghĩa trang vào ban đêm, tại sao? Thưa, vì ta không biết trong bóng tối có gì. Và lại càng không biết sau ngưỡng cửa của sự chết có gì. Lo sợ những cái điều mình không biết là bản tính sinh tồn có trong gene của con người. Từ hàng triệu năm trước tổ tiển loài người đã hiểu là những khu rừng mới lạ có nhiều nguy hiểm rình rập mà mình không biết. Phải cẩn thận khi đi qua đó.

Dù là nguy hiểm như thế không còn nhiều ngày nay, chúng ta đã được lập trình trong gene rồi. Bởi vì vậy con người có một bản năng tự nhiên là chống thay đổi, vì thay đổi là bước vào một khu vực mới có nhiều điều không biết. Thay đổi là có stress, dù là thay đổi tốt như làm đám cưới hay chuyển vào nhà mới. Cũng vì thế mà chúng ta có sức ì bẩm sinh rất lớn. Và nói đến cả một quốc gia thì sức ì đó rất mạnh, tổng số các sức ì cá nhân, cộng thêm sức ì cộng hưởng.
Mỗi người chúng ta cần phải biết sức ì này để tự quản lí mình. Ta sợ điều không biết, sợ thay đổi, cho nên ta mới ì. Nhưng sự thật là, ta đang sống trong mỗi ngày với bao nhiêu điều không biết. Ta đâu có chắc là sẽ không có anh chàng say nào lái xe hơi đụng mình ngày mai, hay một sư đoàn vi khuẩn cúm gà đang nằm trên tay mình chuẩn bị đại tấn công, hay nhà bà hàng xóm sẽ cháy tuần tới rồi cháy lan qua nhà mình… Nếu nói đến xác suất thì khả năng ta bị cái gì đó ngày mai rất cao, nhưng chẳng ai trong chúng ta quan tâm đến khả năng bị tai nạn ngày mai cả.

• Tư duy mới, dự án mới, thay đổi mới cũng tương tự như ngày mai chưa đến, chúng chứa đựng nhiều điều “không biết”. Vì vậy chúng ta thường không muốn khởi động việc mới, dự án mới, tư duy mới.
Tuy nhiên, nếu ta dấn thân vào một thay đổi nào đó, dù là có nhiều điều ta không biết, nhưng so với lúc trước thì có lẽ những điều không biết trong dự án mới cũng chẳng cao hơn những điều không biết trước khi có dự án. Hơn nữa, ta có thể gia tăng “cái biết” cho những dự án mới bằng cách nghiên cứu và hỏi han cẩn thận trước khi làm. Ngoài ra, bên cạnh những cái không biết có thể không tốt cho ta, đương nhiên còn những điều không biết có thể lợi cho ta.
Thông thường chúng ta bị cái không biết của tương lai làm ta bị động, nhưng ta quên mất là tính theo xác suất trung bình thì tương lai có 50% điều tốt cho ta và 50% điều không tốt. Nhưng đối với người tư duy tích cực có cái nhìn và khả năng biến mọi thứ thành cái tốt thì con số có thể khác đi nhiều. Tùy theo kinh nghiệm biến hóa của ta đến đâu có thể là ta sẽ có 90% tốt và 10% không tốt.
• Tóm lại cái không biết thường là nguồn gốc của sức ì của ta. Nhưng xét cho kỹ thì nó nằm trong tâm l‎ý di truyền chứ không hẳn có có căn bản trong thực tế. Hơn nữa, ta lại thường khi quên mất mặt tốt của điều không biết: chỉ vào một khu rừng lạ ta mới có cơ hội khám phá bao nhiêu trái ngon vật lạ chưa biết.
Nơi có cái không biết là nơi có nhiều cơ hội (chưa ai biết). Ngồi một chỗ thì ta có thể khá chắc chắn là 50 năm nữa ta vẫn ngồi chỗ đó. Nhưng nếu bước ra khỏi chỗ ngồi và dấn thân vào nơi chưa biết, thì mỗi ngày là một dịp gặp những thử thách mới, những cơ hội mới, những kiến thức mới, những kinh nghiệm mới. Mỗi ngày là một bước trưởng thành nhảy vọt. Mỗi ngày là một tự do cho một tâm thức tự do.
Thay vì nhìn cái không biết như một đe dọa, ta hãy xem cái không biết của tương lai như một khu rừng bí mật với những k‎ỳ hoa dị thảo, những kho tàng kỳ bí, chờ ta khai phá.

• Nhưng tại sao ta phải khai phá? Ngồi một chỗ không sướng hơn sao? Dĩ nhiên, nếu bạn thì thích ngồi một chỗ thì ngồi một chỗ cho sướng. Có việc gì đâu. Nhưng nếu ta muốn làm cánh chim khai phá, bay khắp nẻo trời để tìm điều mới lạ, thì ta cứ phải bắt đầu bay vào những góc trời chưa biết.
• Không gian internet ngày nay cho ta khả năng bay khắp chân trời mà không phải đi đâu cả. Phiêu lưu viết một bài mới trên mạng, đó là một chuyến bay vào một ngã mới. Lập một dự án xã hội trên mạng, thử trình bày một tư tưởng mới trên mạng, chia sẻ một kinh nghiệm mới các bạn trên mạng, thực tập một lối tư duy mới học được trên mạng, tất cả các điều này đều là những chuyến bay vào những chân trời mới.
Những năm trước đây ta ít có cơ hội khai phá hơn, vì cách khai phá dễ nhất là đi vào vùng đất mới, như dân Âu châu sang Mỹ lập nghiệp trước khi nước Mỹ ra đời hay cha ông ta khai phá phương Nam cách đây vài thế kỷ. Nhưng ngày nay chúng ta lại có cơ hội trãi dài trên một lãnh thổ mới hầu như vô tận (ít ra là cho đến lúc này), đó là không gian ảo của mạng internet. Nếu tất cả chúng ta dùng không gian rộng rãi này để dấn thân khai phá, thì hậu quả đương nhiên là quốc gia chúng ta sẽ thành một quốc gia khai phá. Nếu cả hàng triệu người có thói quen khai phá hàng ngày thì sức ì chống thay đổi di truyền từ hàng triệu năm trước có thế sẽ chìm mất dưới sức mạnh vũ bão của làn sóng thông tin. Những điều chúng ta khai phá hôm nay là những cánh cửa mở những con đường mới cho bao thế hệ con cháu chúng ta sau này.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *