Người và tôi

Chúng ta nói rằng nền tảng đầu tiên của tư duy tích cực là yêu mình, yêu người và yêu đời. Yêu người thì rất dễ khi người đó chẳng đụng chạm gì với ta cả. Ai trong chúng ta cũng cảm xúc sâu xa khi thấy một người nghèo khổ khốn khó, một người bị tai ương trên đường phố. Nhưng với những người đụng chạm đến ta thì sao? Làm sao mà yêu được người mới nói một câu làm ta cảm thấy rất bị xúc phạm? Hay vừa mới chớp một mối làm ăn ngon lành mà ta tính là đã vào tay mình?

Nói thì dễ, làm thì khó. Bởi vì vậy nhiều người tự động thay đổi định nghĩa từ “Yêu người” thành “Yêu ai tôi cảm thấy thích yêu”. Vậy thì cũng được. Nhưng nếu ta nói cách đó thì tính đi tính lại chắc chỉ được 5 người quanh mình là cao. Không thể hơn thế được. Và danh sách 5 người này chắc cũng phải thường xuyên cập nhật, vì rất dễ cho một người trong số đó làm gì đó xúc phạm đến ta; thế là gạch sổ, tìm tên mới điền vào. Nhưng ngay cả làm vậy, thì trong 7 tỉ người trên thế giới ta yêu được chỉ 5 người. Nếu vậy thì năng lượng tư duy tích cực ta tạo ra do “yêu người” chắc cũng gần số zero.
Đây là một thực hành cực kỳ khó khăn, vì khoảng cách tự nhiên giữa ta với người khác. “Nói gì thì nói, hắn vẫn là hắn, tui vẫn là tui” và chúng ta sống suốt đời suy tưởng theo lối tập trung vào mình từng giây từng phút: Ăn cho tôi khỏe, học cho tôi giỏi, làm việc cho tôi giàu. Chẳng thấy ai nói ăn cho ông hàng xóm no, làm việc cho cô hàng xóm giàu.
Sự tập trung tư tưởng tự nhiên vào mình, vào cái tôi (Self) như thế, làm mình có thói quen tự nhiên là: “Tôi trước quý vị sau. Quý vị làm phiền thì tôi cáu”.

Đó là chưa kể, ngoại trừ các vị lên núi ở một mình, trong đời sống hàng ngày của chúng ta, ta có rất nhiều chung đụng, và rất thường xuyên có những quyết định xem ra rất là vị kỷ. Nếu bạn là lãnh đạo một công ty, bạn sẽ có những quyết định tốt cho công ty bạn và có thể không tốt cho công ty đối thủ, dù lãnh đạo công ty đối thủ là bạn của mình. Bạn sẽ phải có những quyết định ngược lại ý ‎muốn của những người cộng sự nếu bạn cho rằng ý của họ không không hợp hay không tốt cho công ty.
Đôi khi bạn phải rất cứng rắn để bảo vệ quyền lợi và năng lực của công ty. Và khi ta nói đến “cứng rắn,” có nghĩa là bạn sẽ phải cương quyết đi theo một quyết định nào đó, dù là có những người chống đối quyết định đó. Đây là chuyện hàng ngày trong đời sống kinh tế xã hội của mỗi chúng ta. Không nên giả vờ như chúng không xảy ra và không ai phiền ta cũng như ta không phiền ai bao giờ.
Đến lúc này, chúng ta cũng chỉ nói đến phương diện vô cá nhân tính (impersonal) của vấn đề. Thực ra các chuyện này có cá nhân tính (personal) rất mạnh. Khi bạn phải làm một hành động mà ai đó không vui là bạn không thể không buồn. Một bên là mình muốn làm mọi người vui vẻ luôn luôn, một bên là mình phải có những quyết định và hành động mà mình biết là có người buồn.
Đây là sự giằng co giữa cái tâm hiền dịu một bên, và bên kia là những quyết định và hành động cứng rắn vì nhiệm vụ. Và ở một góc nhìn nào đó bên ngoài, nó có vẻ như là sự giằng co giữa “cái tâm” hiền dịu và “cái tôi” xung động.
Dĩ nhiên là các lớp lãnh đạo và quản trị dạy đủ mọi phương cách để làm sao cho mọi người cùng vui. Và ai trong chúng ta cũng áp dụng các kỹ năng đó. Tuy nhiên, thực tế là rất thường xuyên, bạn không thể có quyết định đúng và cần thiết mà không làm phiền ai cả. Thực tế cuộc đời là thế.

Để bảo vệ chính tâm thức của mình trong môi trường khó khăn như vậy, thì có hai điều chúng ta phải quan tâm thường xuyên.
1. Ta cần chắc chắn là “cái tôi” của mình không có chỗ đứng và mình thực sự khiêm tốn và yêu mến trong tâm. Đây là vấn đề riêng tư của bạn, chỉ có bạn và thượng đế hay Phật của bạn biết. Không ai biết được.
Khi Abraham Lincoln ra lệnh cho Bắc quân đánh Nam quân, có lẽ không một người phía Nam nào mà không cho là ông rất gian ác, kiêu căng. Thực ra, Lincoln rất đau khổ khi ra lệnh đó, và ông đã cầu nguyện liên tục rất nhiều ngày trước khi quyết định. Nhưng chỉ một mình ông ta biết điều này lúc đó.

2. Ta cần chắc chắn rằng điều mình sẽ phải làm hoàn toàn không do “cái tôi” chi phối mà là do tình yêu thực sự với người khác, như tình yêu cho hàng nghìn nhân viên của công ty hay lo lắng cho sự phát triển tốt trong trường kỳ của chính người chống lại quyết định của mình.
Muốn được như thế thì không có cách nào khác hơn là để tâm lắng đọng và quán sát tâm mình rất kỹ trước khi làm quyết định. Nếu đọc về đời sống các nguyên thủ quốc gia, chúng ta sẽ thấy là lặng yên suy tưởng, cầu nguyện, hay thiền định luôn luôn là việc họ làm rất chuyên chú trước khi ra một quyết định khó khăn.
Và sau khi làm quyết định rồi, có một cách nữa để chắn chắn là mình vẫn có thể yêu những người đã, đang và vẫn tiếp tục phản kháng mình kịch liệt (đôi khi kịch liệt như kẻ thù của mình). Đó là cầu nguyện cho họ (dù là trong lòng mình có thể rất bực mình vì bản tính tự nhiên của con người): xin Trời, Phật, Allah, Chúa, Thượng đế, bất kỳ vị mà mình có lòng tin, hãy phù hộ và ban phúc cho người đó, cho người đó được mọi an vui, thành công, hạnh phúc, như là xin cho chính mình.
Trong đời sống hàng ngày với quá nhiều mâu thuẫn, nếu chúng ta không đi rất sâu vào con tim của mình, vào nội tâm sâu thẳm của mình, thì mọi năng lượng chúng ta tạo ra sẽ rất yếu ớt hời hợt, đó là chưa kể rất có thể đi sai đường mà chính ta không biết.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *