Tất cả những ai giảng dạy về tư duy tích cực đều đồng ý về một định đề căn bản – Nền tảng của tư duy tích cực là yêu người. Từ “yêu láng giềng như yêu chính mình” cho đến “trái tim bồ đề giải thoát chúng sinh,” các truyền thống tư duy khác nhau xây dựng những kiến trúc tư duy khác nhau trên cùng một nền tảng “yêu người.” “Yêu người” là nền tảng cần thiết cho một tâm thức hướng thượng và tích cực. Càng ít yêu người, ta càng ít tích cực, và không yêu người tức là tiêu cực hoàn toàn. Định đề này về tư duy tích cực tạo ra một vài thắc mắc cho một số người, ít ra là trên phương diện lý luận. Trong bài này chúng ta sẽ xét đến các thắc mắc đó.
…
• Thắc mắc đầu tiên là tại sao tư duy tích cực lại liên hệ đến yêu người? Tôi cứ tích cực kiếm tiền để cho sướng thân tôi và cóc cần đến thiên hạ, thế thì tại sao lại không tích cực được?
Lý luận này nghe ra có vẻ hợp luận lý. Nhưng nếu bạn cóc cần đến thiên hạ, thì bạn tiêu cực với cả thiên hạ, và chỉ tích cực với chỉ mình bạn. Trong liên hệ con người hoặc là ta tiêu cực hoặc là tích cực, không có trung lập hay trung tính (neutral). Nếu bạn đi trên đường phố, thấy một người bị thương, nhưng bạn cứ phớt lờ, bước qua mà xem như không thấy gì, vì bạn “trung lập” với người ấy. Nhưng “trung lập” kiểu ấy là ông nội của tiêu cực, phải không ạ. Cho nên, nếu ta không cần đến thiên hạ, có nghĩa là ta tiêu cực với thiên hạ. Nếu tính toán theo toán học, ta tiêu cực với gần 7 tỉ người trên trái đất và tích cực với chỉ 1 người – đức ngài “Tôi” – thì thực ra ta tiêu cực hay tích cực?
Trên thực tế, khi ta tiêu cực với người nào, luôn luôn có một lực đẩy đẩy ta và người đó xa nhau, không thích gần nhau, không thích nói chuyện, không thích tâm sự, đó là chưa nói đến có thể cãi nhau, đánh nhau. Vậy, nếu ta tiêu cực với cả thế giới, thì dù ta có tích cực với chính ta cách mấy, ta cũng chỉ lụn bại mà thôi.
Sự thực là, khi ta tích cực với mọi người, ta sẽ tích cực với chính ta và ngược lại, khi ta tiêu cực với mọi người, ta sẽ tiêu cực với chính ta. Nói chung, tâm thức của con người thật ra không phân biệt “ta và người” như chúng ta lầm tưởng – đối với tâm thức, ta và người đều là “con người” cả. Ngay cả trên bình diện ý thức (chưa nói đến tiềm thức), rất nhiều khi chúng ta nghe những câu tương tự như thế này: “Con người chỉ là những sinh vật ích kỷ và tội lỗi, kể cả tôi” hay “Nhân chi sơ tánh bản thiện” (Từ thuở bắt đầu, bản tánh con người là thiện). Khi nói đến con người là người nói tự động nói luôn về “tôi” trong đó, không có “ngoại trừ.” Vì vậy, lý luận rằng ta có thể tích cực cho chính ta nhưng không cần đến mọi người là một hiểu lầm rất lớn về tâm thức con người. Chuyện đó không có trong thực tế.
Cho nên, tư duy tích cực là tích cực với “con người” – với chính ta và với tất cả mọi người. Thực sự ta không thể chia ra ta và người như ta lầm tưởng. Vì vậy, các truyền thống triết lý và đạo học quan tâm đến tâm thức con người luôn luôn gộp “ta và người” vào chung một nhóm.
• Nhưng, “thiên hạ dối trá xảo quyệt nhiều quá, tôi tích cực với họ sao được? Hơn nữa tôi phải lo phòng thân chớ, nếu không bị lường gạt cả đời sao?”
Đây là một lý luận rất xác thực, và chính vì nó xác thực cho nên nó thường đủ sức thuyết phục người ta không nên tích cực. Ở đây ta có mâu thuẫn giữa tình yêu và lòng tin – Tôi được dạy là yêu người, nhưng tôi không tin người được!
Chúng ta có thể nhìn vấn đề một cách giản dị thế này: Nếu ta có đứa con hút sách, dối trá, trộm cắp, nhất định là ta bực bội đến điên đầu và chẳng tin được câu nói nào của nó, nhưng tận trong tâm tưởng ta vẫn thương con vô cùng, phải không? Không tin, nhưng vẫn thương. Có gì lạ đâu? Quả tim nào của con người cũng làm việc như thế. Cho nên nói rằng phải tin mới thương là một lý luận không hiện thực.
Trong truyền thống của dân tộc ta, chúng ta luôn luôn được dạy là phải tôn trọng người chiến sĩ, dù đó là chiến sĩ của bên thù địch, bởi vì người chiến sĩ chỉ làm đúng phận sự là phục vụ cho tổ quốc họ, dù họ đứng phía nào. Ta được dạy không đánh người ngã ngựa, dù đó là kẻ thù. Đời nhà Lý, sư Thảo Đường người Trung quốc, vốn là tù binh bị bắt tại Chiêm Thành, được vua Lý Thánh Tông mời dạy Phật pháp cho nhân dân và cho mở đạo tại chùa Khai Quốc vào năm 1069, tạo nên dòng thiền Thảo Đường. Đây cũng chỉ là yêu người, dù người là ai, và người thế nào.
Biết người có khiếm khuyết thì ta cố đừng cho người có thêm cơ hội để lầm lỗi. Ví dụ, đừng đi mà không đóng cửa nhà, để khỏi khơi lòng tham của người. Biết người không tin được, thì đừng cho mượn tiền để khỏi khuyến khích người tiếp tục lừa đảo.
Nhưng thông thường ta vẫn có dịp để giúp người ta không tin, như trường hợp khẩn cấp về sức khỏe chẳng hạn. Nếu ta cho người hoạn nạn (nhưng không đáng tin) mượn tiền lúc đó, cứ xem như là cho luôn, để mai mốt khỏi phải nghĩ ngợi về việc trả, và nếu được trả thì xem như là đó là lộc của trời. Đó là giúp người khi hoạn nạn mà không cần biết người đó tốt hay xấu.
Bạn có thể nghĩ rằng những bàn luận này hơi thừa thãi và lý thuyết nhưng thực ra đây là điểm căn bản nhất trong thực hành tư duy tích cực: Ta không thể tích cực được nếu ta không tích cực về người khác, và muốn tích cực về người người khác ta không thể dựa tích cực của ta trên lòng tốt hay đức hạnh của họ, vì con người luôn luôn có lỗi lầm. Họ cũng như ta, đã, đang và sẽ có lầm lỗi. Ta không thể tin vào sự toàn thiện của họ cũng như sự toàn thiện của ta. Nhưng ta có thể tin vào quyết tâm của ta là sẽ yêu và tốt với mọi người đến mức tối đa ta có thể làm. Đây là nền tảng của tư duy tích cực.
Tư duy tích cực không phải là đổi chác – phải có cái này mới đổi được cái kia, anh phải tích cực với tôi, tôi mới tích cực lại. Và đổi chác như vậy thì năng lực tích cực của ta rất yếu, vì ta cứ nằm ì mãi trong mức đổi chác trung bình, là mức đại đa số người trên thế giới đang đứng. Nhưng ta muốn vượt hẳn lên trên mức trung bình đó. Đối với ta, tư duy tích cực là con đường một chiều. Ta dùng sức mạnh tích cực mạnh mẽ từ rất sâu trong tâm thức để làm cho chính mình và mọi người cùng mọi sự quanh mình tích cực thêm. Và khi ta tạo được vài nguồn tích cực, vài người tích cực, ở gần nhau, chúng ta/họ sẽ tạo nên năng lượng cộng hưởng lớn hơn hẳn tổng số của các năng lượng cá nhân, tương tự hiệu ứng âm thanh nổi (stereo) của âm thanh đến từ vài loa đặt tại nhiều vị trí khác nhau trong thính phòng.
• Và ta cũng đừng nên hiêu lầm “tình yêu và tích cực” với “muốn gì được nấy.”
Nếu bố mẹ thực sự thương con, bố mẹ không thể để con muốn gì được nấy, nhưng sẽ làm những gì mà, theo kiến thức và hiểu biết của bố mẹ, là điều tốt nhất cho con của mình. Đó vừa là tình yêu vừa là bổn phận của bố mẹ. Khi quan tòa quyết định xử tù một tội nhân, đó có thể vừa là muốn cho tội nhân có cơ hội cải thiện sau này, và vừa là lo lắng cho an nguy của bao nhiêu người khác trong xã hội. Cho nên, yêu người và tích cực với người không có nghĩa là ta như đui như mù, hay ta không quan tâm đến phải trái hoặc an nguy cho chính mình và cho những người chung quanh. Tình yêu và tích cực có nghĩa là những gì ta phải làm vì nhiệm vụ và vì công ích ta vẫn phải làm, nhưng làm với tình yêu và tư duy tích cực.
Hầu như mọi người trên thế giới đều nghe biết đến tư duy tích cực. Tuy nhiên trong thực hành, chỉ có một thiểu số thực sự có năng lượng tích cực hạng thầy, phần còn lại thì đa số là chỉ nằm ở mức trung bình như nhau. Và sự khác biệt đó sinh ra chỉ từ một điểm duy nhất: đại đa số người hành động tích cực theo lối đổi chác, khi có khi không, tùy theo hoàn cảnh và đối tượng. Bậc thầy, thì tích cực một chiều, luôn luôn mọi lúc, mọi nơi, với bất cứ ai.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/