Kiên nhẫn là gì và làm sao để có kiên nhẫn

Có lẽ đức tính được người đời ca tụng nhiều nhất là tính kiên nhẫn. Cato the Elder nói: “kiên nhẫn là đức tính lớn nhất trong mọi đức tính”. Issac Newton nói: “nếu tôi có được khám phá giá trị nào, đó là nhờ chú ‎ý kiên nhẫn hơn là bất kỳ tài năng nào tôi có”. Vậy, kiên nhẫn là gì và làm sao ta có được kiên nhẫn?

Từ kiên nhẫn (patience) có nhiều nghĩa hơi khác nhau tùy theo từng ngữ cảnh. Khi thì nó có nghĩa kiên trì, không bỏ cuộc; khi thì không quá nóng lòng chờ kết quả, cứ bình tĩnh chờ thời gian đến; khi thì có nghĩa nhẫn nhục chịu đựng khó khăn. Tùy theo ý nghĩa khác nhau, chúng ta có luyện tập kiên nhẫn khác nhau.
1. Kiên nhẫn là biết thời gian tính. Đây là vấn đề timing. Đây là kiên nhẫn người ta nói đến thường nhất, thực tế nhất, và cần ít công phu nhất.
Bất cứ điều gì trên đời cũng cần thời gian. Nếu nấu cơm cần 20 phút để cơm chín, thì ta không thể tăng lửa cao gấp 5 lần và 4 phút sau thì xong nồi cơm… cháy. Kiên nhẫn là biết thời gian đòi hỏi cho một vấn đề, chờ thời gian đó đến. Đây thuần túy là kiến thức và kinh nghiệm.
Mỗi vấn đề, mỗi công việc, đều có những chu trình riêng và những mốc thời gian cho chu trình. Người hiểu vấn đề thì kiên nhẫn đợi thời gian, làm việc theo chu trình thời gian. Người không hiểu thì bồn chồn nóng nảy “Tại sao chưa thấy gì?” và làm thêm điều gì đó chưa nên làm, vì vậy mà hỏng chuyện. Cho nên, việc gì chưa biết chưa rành, thì học người có kinh nghiệm hơn chỉ lại.
Chú sư tử rình mồi, biết là dòng suối này thường có nai đến uống nước, cho nên cứ kiên nhẫn nằm trong bụi rậm, hết trưa đến chiều đến tối, hôm nay chưa có, ngày mai cũng phải có. Căn bản thời gian tính này mà còn không biết, và không hành động theo thời gian, thì nhất định là phải đói.

2. Kiên nhẫn là kiên trì cho đến lúc thành công. Đây là mức cao hơn của kiên nhẫn, và là yếu tố số một của thành công trong các dự án. Nếu ta có một mục đích, và mắt ta không rời mục đích đó, cứ gắng công đi đến mục đích dù mưa gió bão bùng hay động đất, thì ta sẽ đến mục đích một ngày nào đó. Đây thuần túy là vấn đề ‎ý chí.
Kiên trì ở đây, ngoài yếu tố “đi hoài cũng tới đích”, nó còn hàm ‎ý nghị lực chiến thắng 3 loại tiêu cực trên đường đi – tiêu cực từ chính mình, tiêu cực từ hoàn cảnh, và tiêu cực từ người khác.
• Tiêu cực từ chính mình là không tự tin vào mình, không tin là mình có thể có tài năng, không tin là mình có thể thành công. Người không tin vào mình thì không bao giờ đến đích vì họ không bao giờ đi, vì họ tin là họ không đủ sức đi. Đây là chưa đánh đã thua.
Tiêu cực từ chính mình còn là ngượng ngùng, ngại ngùng, không dám đứng dậy nổi bật lên, chỉ muốn chìm vào đám đông cho thoải mái, cho nên không dám làm điều gì vượt trội.
Muốn tự tin vào chính mình thì chỉ phải lăn vào chiến trận để biết là mình thực ra cũng không tồi. Như học trò học võ, cách duy nhất để tự tin là ra sân đấu. Mấy hôm đầu ăn đòn hơi nhiều, mấy hôm sau ăn đòn ít hơn, và lại thấy mình cũng cho đối phương ăn được vài đòn. Thế là có tự tin.
Nếu cứ để sợ hãi trong lòng mình níu mình lại, không cho mình vào chiến trận, không cho mình ăn đòn, thì mình sẽ sợ hãi và thiếu tự tin cả đời.
• Tiêu cực từ hoàn cảnh là đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhà tôi nghèo, tôi có tật, tôi không được thông minh… Cứ mang cái yếu của mình ra để biện minh cho sự thiếu thành công của mình.
Thành công không lệ thuộc vào cái yếu của mình, mà chỉ lệ thuộc vào cái mạnh của mình. Ví dụ: Giải vô địch toán không biết nhà mình nghèo hay giàu, mà chỉ biết cái đầu mình giỏi toán đến mức nào. Vậy thì, đừng nói nhà tôi nghèo, mà hãy nói tôi có cái đầu nhạy toán. Giải vật tay không biết bạn bị mất một chân, mà chỉ biết bạn có cánh tay vô địch. Vậy thì đừng nói tôi mất một chân, hãy nói tôi có cánh tay lực lưỡng.
Đổ lỗi cho những yếu kém của hoàn cảnh là suy nghĩ thiếu luận l‎ý. “Thành công của bạn không biết đến các điểm yếu của bạn, và chỉ biết chiều theo sức mạnh của bạn”. Vậy thì, đừng nói đến các điểm yếu của hoàn cảnh của mình. Hãy chú tâm đến những điểm mạnh của mình mà phát triển.
• Tiêu cực từ những người khác là những chê bai, chế giễu, chống đối, cười cợt… Nếu bạn có một‎ ý tưởng thật siêu, thì chỉ có một mình bạn, và một thiểu số cực kỳ nhỏ, biết nó là ‎siêu. Đa số người còn lại không thể biết đó là ‎ý siêu, vì nếu đa số biết đó là ý siêu, nó nhất định phải là ý xoàng. Cái thật hay, chỉ một số nhỏ người có thể thấy. Vì vậy, bạn sẽ bị đám đông chế nhạo. Bạn có đủ tự tin để phe lờ họ và đi suốt con đường không?

3. Kiên nhẫn là nhẫn nhục, nhẫn nhịn. Đây là ý nghĩa cao nhất của kiên nhẫn. Đây không còn là thành công trong vài dự án mà là hoàn toàn làm chủ tâm mình, làm chủ đời mình, thành công cho cả đời mình.
Khi không còn “cái tôi” thì ta khiêm tốn, ta nhẫn nhục, ta kiên nhẫn, ta làm chủ tâm mình. Ta có thể có được những kỹ năng sống khác một cách tự nhiên.
Trong đa số các khóa học về tư duy tích cực trên thị trường ngày nay, chúng ta chỉ học được đến điểm thứ 1 và thứ 2 trên đây. Tuy nhiên, điểm thứ 3 này mới là nền tảng sâu nhất của tư duy tích cực.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/

5 Replies to “Kiên nhẫn là gì và làm sao để có kiên nhẫn”

  1. Vô Google search “kiên nhẫn sức mạnh vô địch” thì vào blog của bạn. Bài viết rất hay! 🙂

  2. Hi Trí Nguyện, rất vui vì bạn đã ghé thăm blog mình. Bài viết này mình lọc ra từ series bài Tư duy tích cực trên Đọt chuối non. Dạo này trang Đọt chuối non cấm IP Việt Nam rồi nên phải thông qua proxy. Nếu bạn thích chủ đề Tư duy tích cực có thể vào trang trên để tìm hiểu thêm.

  3. Mình oánh dấu trang đọt chuối non lại rồi, mình rất thích đọc những bài thể loại này. Rất vui được làm quen với Triết! 😀

  4. Hien Nguyen writes:Hi Tri, Trí dùng Internet Provider nào mà không vào được Đọt Chuối Non vậy? Có firewall à? Cho mình biết được không?Thanks,Hiển

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *