Yếu tố số một của thành công: kiên trì

Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết truyện Rùa và Thỏ của La Fontaine. Cứ kiên trì từng bước một thì sẽ đến đích, và thường khi là đến đích sớm hơn người nhanh nhẹn hơn nhưng không làm việc chăm chỉ. Giản dị quá phải không các bạn? Cứ chăm chỉ làm thì sẽ thành. Nhưng tại sao giản dị thế mà nhiều người không thành được? Đáng l‎ý ra thì phải 95% số người trên thế giới thành lớn mới phải chứ, vì công thức dễ quá mà?

Thực ra có một điều rất quan trọng La Fontain không nói đến trong câu chuyện Rùa và Thỏ, đó là “Kiên trì chống lại tiêu cực từ chính mình, từ hoàn cảnh, và từ những người khác”. Chăm chỉ thì ai trên thế giới cũng chăm chỉ được, nhưng chống lại tiêu cực từ chính mình, từ hoàn cảnh, và từ những người khác, thì trong 100 người may ra có được 1 người. Đó là lý do tại sao số người thành công trong xã hội thường rất ít.
1. Kiên trì vượt qua tiêu cực từ chính mình
* Rất nhiều người ngượng ngùng và nghi ngờ chính mình. Ngượng ngùng là ngại ngùng, không dám làm điều gì khác người, không dám đứng lên giữa đám đông đang ngồi để phấn đấu cho ý tưởng của mình. Mình cứ chìm vào đám đông như thế thì dễ chịu hơn. Làm cái gì không ai hay biết thì được, chứ làm một tí gì đòi hỏi phải lộ diện thì rất ngại.
Đa số người trên thế giới đều vậy. Chẳng ai muốn nhiều người biết mình cả, vì thật sự là rất phiền toái và mất tự do. Nhưng nếu bạn có tính sáng tạo và khai phá thì, trong đa số các trường hợp, bắt buộc là nhiều người sẽ biết đến bạn. Những người không chiến thắng được ngượng ngùng của mình, không thể khai phá được, và nguồn sáng tạo của họ bị chết ngay từ đầu.
* Nghi ngờ chính mình là không tự tin mình có thể làm được điều gì có nghĩa lý đáng kể cả. Điều này rất thông thường cho rất rất rất nhiều người. Đây là “number-one killer”. Chưa đánh đã thua. Có bao giờ bạn tự hỏi mình câu này: “Hmm… ông này thực ra chẳng có điều gì hơn mình hết, tại sao ông ta thành công dữ vậy ta?”. Có thể câu trả lời ở chỗ là ông ta đã bắt đầu đi và đã tin là mình sẽ đi đến đích, và trong thời gian đó thì ta vẫn hoài thắc mắc “mình có đủ sức đi không đây?”
Norman Vincent Peale, ông tổ của khoa học Tư duy tích cực, nói: “Người ta trở thành tuyệt vời khi người ta bắt đầu nghĩ rằng mình có thể làm. Khi người ta bắt đầu tin vào chính mình, họ có được bí mật thành công đầu tiên”.

2. Kiên trì vượt qua hoàn cảnh
Đổ lỗi cho hoàn cảnh là cái cớ ta nghe nhiều nhất cho những người chấp nhận cuộc sống không vươn lên. Họ nói cứ như là hoàn cảnh của họ khó khăn có một không hai trên thế giới và không ai có hoàn cảnh khó khăn hơn. Chúng ta đã từng thấy có những người mất cả hai tay hai chân mà vẫn sống vui sống mạnh và lại đi vòng vòng thế giới dạy cho mọi người sống vui sống mạnh. Vậy thì hoàn cảnh thực sự có nghĩa lý gì? Hoàn cảnh chỉ là “môi trường”. Bất kỳ môi trường nào ta sinh ra trong đó – vùng núi, vùng đồng bằng, vùng nhiều bão, vùng nhiều cọp – ta cứ phải khắc phục nó. Những người thành công lớn, thực ra có hoàn cảnh rất khó khăn hơn mọi người vì họ đương nhiên là phải chiến đấu với hàng trăm trận chiến đủ loại để thành công. Đổ lỗi cho hoàn cảnh, thực ra cũng chỉ là một hình thức không tin vào chính mình. Đồng hạng number-one killer.
George Bernard Shaw, nhà giáo dục nổi tiếng, nói: “Người ta luôn luôn lý giải cuộc đời của mình bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tôi không tin vào hoàn cảnh. Những người tích cực trong đời này là những người đứng dậy và tìm kiếm hoàn cảnh họ muốn và nếu không tìm thấy thì họ tự tạo ra hoàn cảnh”.
* Một hoàn cảnh đặc biệt thường gặp là “thất bại”. Cứ bị thất bại một hai lần là tiêu hết tự tin. Thi rớt một vài trường là tin rằng mình chẳng có tài cán gì cả. Làm ăn thất bại một hai lần là xem như mình “không có số làm ăn”. Thực ra, những người thành công là những người thất bại nhiều nhất. Mọi người chỉ biết đến phút cuối huy hoàng của họ, chứ mấy ai biết bao lần họ đã bị bầm tím mày mặt, trầy vi tróc vảy?
Michael Jordan, vận động viên bóng rỗ hay nhất trong lịch sử bóng rỗ thế giới, nói: “Tôi ném trật hơn 9 nghìn lần trong đời chơi bóng. Tôi thua gần 300 trận. 26 lần tôi đã được giao nhiệm vụ ném quả bóng quyết định trận đấu và ném trật. Tôi thất bại, thất bại tới thất bại lui hoài trong đời. Và đó là lý do tại sao tôi thành công”.

3. Kiên trì vượt qua tiêu cực từ người khác
Richard St. John gọi đây là rác rến (crap) và anh biến CRAP thành chữ viết tắt cho: criticism (phê phán), rejection (ruồng bỏ), assholes (phá phách, đây là từ mình dịch lịch sự, các bạn hãy tra tự điển tìm đúng nghĩa), và pressure (áp lực).
Tại sao có nhiều người làm các chuyện kỳ quái vậy? U mê? Ghen ghét? Việc tui tui làm, mắc gì mấy người cứ nói ra và phá phách?
Mình nghĩ rằng đó là vì sợ hãi. Người tiêu cực rất sợ những người quanh mình thành công vì người gần gũi ta, có hoàn cảnh gần giống ta mà lại thành công thì cái yếu của ta lộ ra quá rõ. Các bạn có thể tự trả lời tại sao người tích cực làm việc gì cũng hay bị những người tiêu cực phá phách, tìm cách đè xuống.
Điểm quan trong cần nhấn mạnh là: “Ngay khi bạn vừa có một ý tưởng mới, bạn trở thành nhóm thiểu số chỉ có một người”. Cho nên nếu bạn gặp nhiều người chống đối phá phách là chuyện đương nhiên.
Điểm quan trọng khác là những người làm việc thường là những bậc thầy, như người thợ xây nhà đã nhiều kinh nghiệm, nhưng những người phê phán và phá phách thì không cần biết gì hết, có thể hoàn toàn dốt, hoàn toàn không kinh nghiệm, hoàn toàn vô trách nhiệm, như kẻ cầm búa đi phá nhà. Xây thì khó, phá thì dễ.
Nhưng những người tích cực, nếu để cho những người trẻ con như thế làm mình nhủn chí, thì nực cười quá phải không các bạn. Dù vậy, các bạn đã thấy trong đời, bao nhiêu người bỏ cuộc vì sợ “thiên hạ phê phán” hay “thiên hạ chê cười”. Đây cũng đồng hạng number-one killer.
Nhưng may thay, chính những tiêu cực này lại có tác dụng tốt như sàng lọc. Những người yếu công lực sẽ bỏ cuộc, và những người công lực cao thâm sẽ vượt qua. Đó là l‎ý do tại sao trong xã hội nào số người thành công cũng ít hơn số đông không thành công.

Để chấm dứt bài này mình xin để lại các bạn câu nói của Calvin Coolidge (Tổng thống thứ 30 của Mỹ): “Không có gì trên thế giới này có thể thay thế lòng kiên trì. Không phải là năng khiếu, vì không có gì phổ biến hơn những người có năng khiêu mà thất bại. Không phải là thiên tài, vì thiên tài mà không được công nhận đã trở thành giai thoại. Không phải là giáo dục, vì thế giới này có quá nhiều người có học bị bỏ quên. Chỉ lòng kiên trì và sự quyết tâm là có quyền lực tuyệt đối. Câu khẩu hiệu ‘hãy tiến tới’ đã và sẽ giải quyết mọi vấn đề của loài người”.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/

3 Replies to “Yếu tố số một của thành công: kiên trì”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *