RA NHỮNG QUYẾT ĐỊNH TÌNH CẢM KHÓ KHĂN

Nhiều năm về trước, mình có đọc trong một quyển sách dạy interview tìm việc (có lẽ là One On One), dạy ta trả lời câu hỏi của người interviewer: “Quyết định khó nhất mà bạn đã làm là gì?” (What was the most difficult decision you’ve ever had to make?). Và quyển sách cho một số câu trả lời làm ví dụ, trong đó câu hay nhất có lẽ là: “Quyết đinh khó khăn nhất tôi đã phải làm là sa thải một người bạn rất thân của tôi”.

Những quyết định khó khăn nhất trong đời ta thường là những quyết định làm cho những người ta yêu quý đau khổ. Nhiều năm trước, lúc thủ tướng Võ Văn Kiệt còn tại chức, mình có đọc trên báo lúc đó câu ông than thở đại khái thế này: “Dân mình thật là tốt. Nhà cửa sống bao nhiêu năm trên bờ đê sông Hồng, mà nhà nước nói giải tỏa là bỏ nhà bỏ cửa ngay. Thật là tội nghiệp”. Những quyết định làm khổ người khác luôn luôn khó khăn trong lòng ta như thế.
Và chúng ta có thể có những vấn đề khó khăn như thế thường hơn ta muốn gặp: sa thải một người người cộng sự dưới quyền đã là tay mặt của mình, lập gia đình với một người mà bố mẹ mình chống lại, quyết định chia tay người yêu, hai bạn nữ cùng yêu mình và chọn người này thì người kia đau khổ…
Trong những trường hợp như thế chúng ta thường rất bối rối không biết phải làm quyết định thế nào cho đúng. Và thường là người ngoài chỉ có thể tư vấn ta cách phân tích để làm quyết định nhưng không quyết định hộ ta được, vì vấn đề có nhiều yếu tố tình cảm mà chỉ ta mới biết lòng ta.

Trong những trường hơp này, người ta thường khuyên ta chia một tờ giấy ra thành một số cột, bằng số quyết định ta có thể làm cho một vấn đề. Ví dụ vấn đề này có thể có 3 quyết định khác nhau, thì nên chia tờ giấy thành 3 cột. Rồi dưới mỗi cột ghi các điều lợi, và các điều bất lợi của quyết định đó. Sau đó so sánh 3 cột, xem cột nào đưa lại nhiều lợi nhất.
Phương cách này rất tiện cho các quyết định thuần kinh doanh hay hành chánh, nhưng trong các quyết định mà tình cảm của ta là một yếu tố lớn thì lập danh sách cũng chẳng nghĩa lý gì. Khi tình cảm là yếu tố chính của một quyết định thì ta chỉ có cách là hỏi trái tim của ta quyết định này quan trọng đối với mình thế nào?
“Quan trọng đối với chính mình” là yếu tố quyết định, đôi khi đến 100% của vấn đế.

Đôi khi ta thêm yếu tố so sánh chiều kia: Quyết định của mình quan trọng thế nào đối với người sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định của mình? Rồi so sánh sự quan trọng của hai bên mà quyết định.
Ví dụ 1: Trường hợp bố mẹ mình không thích một người mà mình muốn thành hôn.
– Việc lập gia đình chống lại bố mẹ quan trọng đối với mình thế nào?
– Mình có chấp nhận sống xa cách bố mẹ không?
– Sự xa cách giữa vợ chồng mình và bố mẹ mình có thể ảnh hưởng đến tình cảm và đời sống hôn nhân của hai đứa trong tương lai không?
– Mình có yêu anh/cô này đủ để làm xáo trộn gia đình mình không?
Nếu mình cảm thấy lập gia đình với người này là một điều rất quan trọng cho đời mình, và dù bố mẹ không thích, mình đành phải xin lỗi bố mẹ mà quyết định theo ‎ mình, thì cứ vậy mà quyết định.
Nếu mình cảm thấy thực ra chưa chắc là việc lập gia đình với người này là rất quan trọng cho mình, nhưng mình vốn máu bướng, nếu bố mẹ chống thì mình phải làm cho bằng được, thì có lẽ là mình nên trưởng thành một chút và suy nghĩ thêm. Vì nếu quyết định lập gia đình mà không đặt nền tảng trên tình yêu cực mạnh, mà chỉ là loại quyết định bướng bĩnh chống bố mẹ, thì có thể là tình duyên của mình sau này cũng không tốt.
Nào bây giờ thêm một yếu tố để so sánh: Mẹ mình rất chống đối việc này. Dù mình thấy là mẹ vô lý, nhưng mẹ có bệnh tim rất nặng, nếu mình nhất định thành hôn chống mẹ, thì có thể là mẹ giận quá đến nỗi bệnh tim sẽ thành nguy hiểm đến tính mạng mẹ. Trong trường hợp này, có thể ta phải có biện pháp hòa hoãn, khoan nói chuyện cưới hỏi, từ từ tính sau.

Ví dụ 2: Hai anh yêu một cô, hay hai cô yêu một anh.
Đây là trường hợp chúng ta có thể gặp thường xuyên. Hai người yêu mình, nhưng mình chỉ có thể chọn một. Như là Quách Tĩnh với Hoàng Dung và Hoa Tranh Công Chúa. Quách Tĩnh yêu Hoa Tranh như là em gái, yêu Hoàng Dung như là bạn gái/người yêu. Trái tim có đường riêng của nó. Cho nên dù Quách Tĩnh vâng lời Thành Cát Tư Hãn lấy Hoa Tranh làm vợ, và luôn luôn cố gắng để tốt với Hoa Tranh, trái tim Quách Tĩnh vẫn có đường riêng của nó.
Cho nên việc “quan trọng” đối với ta ở đây là ta yêu ai và muốn sống đời gia thất với ai? Nói cách khác, trái tim ta thực sự đang nằm ở đâu?
Nhưng, ngoài ra, còn yếu tố nào khác quan trọng nữa với mình?
Ví dụ: Mình có vẻ yêu cả hai anh ngang nhau, khó biết quá. Nhưng một anh thì đi chơi, khiêu vũ, ca nhạc rất vui, một anh thì hiền hậu chân chỉ hạt bột. Vậy thì điều gì quan trọng cho mình lúc này? Có bạn sinh động, đi chơi cho vui; hay là tìm người trăm năm chân chỉ hạt bột lo vợ con hàng ngày?
Và thêm yếu tố tình cảm phụ: anh đào hoa thì nếu nghỉ chơi với mình chắc cũng ít buồn hơn anh chân chỉ hạt bột, vì anh đào hoa muốn tìm bạn gái lúc nào lại không được.
Hoặc nếu là một anh giữa hai cô, thêm yếu tố là một cô đã lỡ có bầu với chàng. Đây là một yếu tố lớn về trách nhiệm của người đàn ông đối với người phụ nữ mang thai với mình, cũng như với con của mình… Yếu tố trách nhiệm này quan trọng đủ để làm lệch cán cân hoàn toàn nếu mình yêu hai cô ngang nhau. Hoặc kể cả khi mình yêu cô kia nhiều hơn cô mang bầu, thì đối với người đàn ông có trách nhiệm, cán cân cũng có thể (và cũng nên) nghiêng về phía cô mang bầu.

Trách nhiệm là một phần rất lớn trong liên hệ giữa con người với nhau.
Tất cả các yếu tố tình cảm và trách nhiệm trong lòng, ta chỉ có cách duyệt qua chúng, rồi trong lòng ta muốn đường nào thì đi theo đường đó. Không có cách nào khác để làm các quyết định tình cảm. “Ý muốn” và “tình cảm” của mình là yếu tố quyết định. Cho nên mình phải thông suốt trái tim mình.
Đường nào “quan trọng” nhất đối với mình? Chữ “quan trọng” này hoàn toàn chủ quan. Tiền có thể quan trọng đối với người này, nhưng không quan trọng với người khác. Mọi sự khác cũng thế, vui vẻ sinh động hay im lặng trầm ngâm, quan tâm vào hiện tại hay tính toán cho tương lai, thích thể thao hay thích nhạc… và đương nhiên là trách nhiệm (nếu trách nhiệm là một yếu tố của vấn đề).
Trái tim có đường chọn lựa của nó. Ngoại trừ những việc phi pháp hoặc phi đạo đức, tất cả mọi sự trên đời đều như nhau. Trái tim theo hướng nào, thì đi theo hướng đó để làm các quyết định tình cảm. Cộng thêm trách nhiệm khi trách nhiệm là một phần của vấn đề. Hiển nhiên là sau khi duyệt qua mọi yếu tố, bạn sẽ phải chọn quyết định nào mà trái tim bạn cảm thấy “quan trọng” nhất cho bạn; đó có lẽ là quyết đinh chính xác nhất cho bạn, vì nó phù hợp với những gì bạn cho là “quan trọng” với chính lòng bạn.
Điều cuối cùng cần nhớ là nếu tình cảm trong lòng bạn rối bời quá, không suy nghĩ được, và cũng không có lý do khẩn cấp nào đòi hỏi bạn phải làm quyết định ngay lập tức, thì khoan làm quyết định. Tìm cách sống yên lặng một thời gian, nếu thêm thiền định hay cầu nguyện thì càng tốt. Để tâm từ từ tĩnh lặng lại. Một trái tim tĩnh lặng thường thấy được rất nhiều điều mà một trái tim xung động hay căng thẳng không thể thấy.
Trần Đình Hoành
http://dotchuoinon.com/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *